Giác hơi là phương pháp trị bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc, thực hiện bằng cách đặt những chiếc ly thủy tinh hoặc ống tre lên da để tạo lực hút bằng hơi nóng. Tuy nhiên, cũng như các phương pháp điều trị y học cổ truyền khác, việc này cần phải được thực hiện bởi những người có chuyên môn, kỹ thuật.
Giác hơi khô. |
Ba phương pháp giác hơi
Theo quan điểm của y học Trung Quốc, lực hút từ những chiếc ly giúp thúc đẩy dòng chảy của máu trong cơ thể, phân tán và phá vỡ tình trạng ứ đọng máu. Vì vậy, vòng tuần hoàn của máu sẽ thông suốt, cơ bắp cũng giảm căng, axit lactic hình thành trong cơ sẽ hòa tan, làm giảm nhức mỏi, tê bì, đau khớp…
Theo phân loại, hiện nay có 3 phương pháp giác hơi.
Giác hơi khô: Thực hiện bằng cách hâm nóng không khí bên trong ly bằng lửa (đốt cồn, thảo mộc, giấy…). Khi lửa tắt thì người giác hơi nhanh chóng úp ly vào da người bệnh rồi lúc không khí bên trong nguội đi, nó sẽ tạo ra áp suất âm để hút da vào bên trong. Lúc ấy da người bệnh sẽ phồng lên thành hình tròn do lực hút, có màu đỏ rồi chuyển sang tím vì mạch máu phản ứng với sự thay đổi áp lực, sẽ tan hết sau khoảng 1 tuần. Giác hơi khô thường được thực hiện từ 5-10 phút tuỳ theo thể trạng và bệnh lý nhưng nó có thể khiến người bệnh bị bỏng, nhất là đốt bằng cồn.
Giác hơi khí: Thay vì sử dụng lửa để đốt nóng, ly được áp lên da rồi hút hết không khí bên trong bằng một cái bơm gắn ở đầu để tạo ra chân không. Và cũng như giác hơi khô, da sẽ phồng lên nhưng không sợ bị bỏng, cũng được thực hiện từ 5-10 phút, các vết hình tròn màu đỏ tím trên da cũng sẽ mất sau khoảng 1 tuần
Giác hơi ướt: Trước khi giác, người bệnh sẽ được cắt lể. Khi ly giác áp vào da và da bị hút lên, một lượng nhỏ máu chảy ra từ chỗ cắt lể có tác dụng giúp loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Sau 1-2 phút, ly giác sẽ được lấy ra, lau sạch máu rồi lại giác tiếp. Đến lần thứ 3, khi kết thúc người bệnh sẽ được bôi thuốc sát trùng còn các vết cắt, vết bầm tím sẽ mất sau 1 tuần hoặc 10 ngày.
Giác hơi khí. |
Giác hơi trị bệnh gì?
Theo y học cổ truyền, giác hơi làm thông các huyệt đạo trong cơ thể, giải phóng máu ứ, giúp các cơ giãn ra, giảm đau, giảm nhức mỏi, cải thiện hô hấp, cắt cơn cảm lạnh thông thường, cải thiện sự trao đổi chất, ngăn ngừa táo bón, giúp tiêu hóa tốt hơn. Còn theo y học hiện đại, môi trường chân không bên trong ly giác giúp các mô giãn nở cục bộ và việc này tạo điều kiện cho mạch máu giãn nở, tăng lưu lượng máu đến các mô bệnh lý, tăng cung cấp oxy, tăng chuyển hóa tế bào, giúp kháng viêm, giảm đau hiệu quả.
Với những đặc tính như trên, giác hơi được chỉ định trong các trường hợp sau: cảm lạnh, viêm phế quản, hen suyễn, đau nhức xương khớp, đau cơ lưng, viêm dạ dày, tăng huyết áp, ho kéo dài, béo phì, một số loại mụn rộp, mụn trứng cá… Ngoài ra giác hơi còn có thể góp phần điều trị chứng liêt mặt, thoái hóa đốt sống cổ, hội chứng ống cổ tay
Chống chỉ định giác hơi: Người bệnh có các tổn thương trên da tại vùng giác hơi như trầy xước, viêm da, bệnh da liễu như lang ben, hắc lào, chàm, vẩy nến..., người bệnh sốt cao hoặc đang co giật, người có tiền sử bệnh tim, thận, phổi, người đang bị rối loạn đông máu, bị xuất huyết, số lượng tiểu cầu thấp, ung thư máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu, người đang bị phù toàn thân, người bị bệnh lý tâm thần như động kinh, suy nhược thần kinh, có huyết khối tĩnh mạch sâu, người già, da và cơ bắp đã thoái hóa, người bị ung thư di căn, người đang say rượu hoặc ăn quá no, trẻ em dưới 7 tuổi.
Những biến chứng có thể xảy ra khi giác hơi: Ngoài việc bị phỏng do giác hơi khô mà nguyên nhân là cồn trong ống giác chưa cháy hết thì còn có thể bị nhiễm trùng vết cắt lể nếu giác hơi ướt. Bên cạnh đó, nếu một bộ giác hơi sử dụng cho nhiều người nhưng không qua tẩy rửa, sát trùng thì cũng dễ dẫn đến lây nhiễm những bệnh ngoài da như nấm, lang ben, hắc lào. Khi đang giác hơi mà người bệnh cảm thấy lâng lâng hoặc buồn nôn thì báo ngay cho người giác biết để xử lý.
Giác hơi là phương pháp đơn giản, ít tốn kém, dễ thực hiện nên ai cũng có thể áp dụng được ngoại trừ một số trường hợp chống chỉ định như đã nêu ở trên. Tuy nhiên nếu muốn giác hơi, bệnh nhân nên gặp những người đã được đào tạo qua trường lớp Đông y vì họ hoàn toàn có thể đánh giá được tình trạng người bệnh, nên hay không nên giác hơi và nếu cần giác, họ sẽ tính toán thời lượng giác hơi và cách xử trí nếu chẳng may xảy ra tai biến ngoài ý muốn chứ không nên nhờ những người làm theo kinh nghiệm hay những người “thấy họ làm được thì mình cũng làm được!”…
Bs CK1 Y học cổ truyền
VĨNH HỮU