Khổ như… thanh niên độc thân ngày Tết
Cứ mỗi dịp Tết đến, các bạn trẻ còn độc thân luôn phải lo “đối phó” với những câu hỏi kiểu như “Bao giờ có người yêu”, “Khi nào cho ăn cỗ”... Đối diện với những vấn đề liên quan đến chuyện lập gia đình thì phải đối phó như thế nào đây?
Những câu hỏi như: “Bao giờ con tính cưới?”, “Khi nào mới gửi thiệp mời cưới đây?”… rất dễ gây áp lực, đặc biệt là với những ai vẫn còn độc thân thì câu hỏi này như xát thêm muối vào nỗi niềm cô đơn. |
“Tụt hứng” vì bị hỏi chuyện yêu đương
Về quê ăn Tết với anh Quang Vinh (32 tuổi, TP. Bà Rịa) luôn là một nỗi ám ảnh khi người lớn trong nhà liên tục hỏi: “Khi nào lấy vợ?”, “Khi nào mới dắt bạn gái về ra mắt”... Nhất là dịp Tết, cứ 10 người đến chúc Tết là anh phải nghe đến 9 câu hỏi cùng một nội dung. Từ đó, Tết đối với anh Vinh là một nỗi ám ảnh khó nói thành lời.
Anh Vinh kể: “Đang vui vẻ trò chuyện mà tự dưng bị hỏi như vậy làm tôi thấy tụt hứng vô cùng. Dần dần, Tết với mình không còn thấy vui, háo hức nữa mà thay vào đó là cảm thấy sợ”, anh Vinh bộc bạch.
Không chỉ có thế, thấy con trai mãi không dẫn ai về ra mắt, mỗi dịp Tết anh Vinh về quê, ba mẹ lại giới thiệu hết người này đến người kia nhưng anh chẳng động lòng. “Ba mẹ còn sợ tôi không thích phụ nữ nên hay lo xa, tính trò ép cưới. Nhưng tôi chỉ muốn tập trung cho công việc ở độ tuổi này”, anh Vinh chia sẻ.
Tương tự, chị Hồng Nhung (29 tuổi, TX. Phú Mỹ) cũng có cảm giác sợ mỗi lần về quê ăn Tết. Chị Nhung cho biết, từ ngày tốt nghiệp đại học, ba mẹ liên tục hối lấy chồng với câu nói quen thuộc: “Bằng tuổi con tụi nó 2 đứa con hết rồi kìa!”.
“Tôi không sợ ế vì thấy mình còn trẻ. Vài ba mối quan hệ đi qua nhưng chưa thực sự chín muồi để dẫn về ra mắt gia đình nên tôi chọn cách tập trung cho công việc. Khi nào duyên đến, ắt tự bản thân sẽ muốn cưới thôi”, chị Nhung nói.
Nói về Tết năm nay, chị Nhung lắc đầu: “Tôi đặt vé về quê rồi nhưng nghĩ đến những câu hỏi vẫn hơi sợ. Không biết phải trả lời như thế nào nữa”.
Không riêng gì anh Vinh, chị Nhung, ngoài những phút giây vui vẻ hạnh phúc khi được sum họp cùng gia đình những ngày Tết thì “hội những người độc thân” lại phải đau đầu vì đi đến đâu cũng nhận được câu hỏi “Có người yêu chưa?” hay “Bao giờ lấy chồng?”. Dần dần, niềm vui và sự hứng khởi mỗi khi Tết về không còn, mà thay vào đó là nỗi sợ hãi khi phải đối diện với những câu hỏi có chút… “khiếm nhã” từ họ hàng.
Giải quyết bằng sự hài hước
Dẫu biết người lớn trong nhà ai cũng mong muốn con cháu mình được hạnh phúc. Văn hóa của người Việt cũng xem chuyện tình cảm và hôn nhân là một mục tiêu thiết yếu của đời người. Thế nên, việc hỏi về mối quan hệ yêu đương của con cháu là điều rất đỗi bình thường đối với họ. Tuy nhiên, những câu hỏi như: “Bao giờ con tính cưới?”, “Khi nào mới gửi thiệp mời cưới đây?”… dù có tế nhị nhưng lại gây áp lực, đặc biệt là với những ai vẫn còn độc thân thì câu hỏi này như xát thêm muối vào nỗi niềm cô đơn.
Thay vì đào sâu vào đời tư của con cháu, hãy hỏi những câu tế nhị hơn, như tìm hiểu về những thành tựu gần đây hoặc kế hoạch tương lai của thành viên gia đình mình.
Đối với thành viên hội độc thân, cách tốt nhất để né những câu hỏi trên là hãy cố gắng hài hước và làm dịu vấn đề. Đối với nhiều cô dì chú bác, câu hỏi này là “miếng trầu” để họ “mở đầu câu chuyện”, vì thế hãy chuyển hướng sang những chủ đề dễ gây hứng thú như chủ đề kinh tế, sức khỏe và những vụ án, sự kiện kỳ lạ.
Nếu bạn vẫn tiếp tục bị tra hỏi bởi những người họ hàng khó tính hơn, đừng ngại mà hãy trả lời rằng: “Dạ, có vài vấn đề khó nói ra, con cũng khổ tâm lắm. Mình không nói chủ đề này được không ạ?”.
Trong dịp đoàn tụ đầu xuân năm mới, tình cảm gia đình và sự ấm áp của tình thân là điều quan trọng. Hãy thoải mái đối mặt với nó và vui vẻ trong những ngày đầu năm.
THẢO NGUYÊN