Đừng để Tết là nỗi ám ảnh với phụ nữ!
Tết với trẻ con là lì xì, bánh kẹo; với đàn ông là trà rượu, tụ tập bạn bè; với người già là đoàn tụ, quây quần cùng con cháu… Thế nhưng, Tết với phụ nữ lại là “đại hội dọn dẹp, mua sắm, nấu nướng”!... Chẳng thế mà nhiều chị em mắc hội chứng mang tên “ám ảnh Tết” mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Ngày Tết, mỗi người một tay một chân, việc nặng hóa nhẹ, những việc nào không cần thiết thì không cần làm, đơn giản gọn nhẹ. |
Nấu nướng dọn dẹp là “thuộc về phụ nữ”?
Gần 10 năm làm dâu, lấy chồng, sinh con, chưa Tết nào chị Huyền (phường 10, TP. Vũng Tàu) được thảnh thơi. Nếu ngày thường, công việc của chị Huyền chỉ là đi làm, nội trợ, chăm con thì đến Tết, công việc nhân lên gấp đôi, gấp ba hoặc có thể nhiều hơn nữa.
“Từ Tết năm 29 đã phải gói bánh chưng, dọn nhà, sắm sửa đồ ăn thức uống. Từ đến ngày 30 là bắt đầu lo cỗ bàn liên miên đến hết mùng 3 Tết. Chưa kể 3 ngày Tết, mỗi ngày phải làm ít nhất 2 mâm cơm để đón khách bên nội, bên ngoại… Cứ thế nên chả năm nào tôi được nghỉ Tết đúng nghĩa”.
Không riêng gì chị Huyền, ngày Tết, phụ nữ phải tất bật với trăm công nghìn việc, lo việc chi tiêu, nấu nướng cỗ bàn, dọn dẹp và lo con cái, gia đình… Bởi vì cả đống áp lực ngày Tết đè nặng lên vai mà nghĩ đến Tết, không ít phụ nữ không còn thấy vui mà chỉ còn thấy mệt mỏi.
Thay đổi để Tết vui, đầm ấm
Trước đây, chị Phương (phường 9, TP. Vũng Tàu) rất sợ Tết bởi dịp này, không chỉ không được nghỉ ngơi mà còn được “bổ sung” cả đống việc phải làm. Đó là dọn nhà, sắm đồ, lo toan cho những bữa cỗ, mâm bát đĩa lỉnh kỉnh chất chồng mỗi khi khách đến chơi nhà. Để các thành viên trong nhà đều được hưởng kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa, hai năm nay, gia đình chị Phương đã thay đổi cách đón Tết.
“Vợ chồng tôi và các con đều lên kế hoạch từ sớm. Những gì giải quyết được trước Tết, vợ chồng tôi đều cùng nhau san sẻ, thậm chí nhờ các con chung tay xử lý gọn gàng. Thay vì mời khách đến nhà ăn tất niên như trước, nhà tôi chỉ làm một mâm cơm cúng gia tiên, sau đó dọn xuống cho gia đình cùng ăn. Mấy ngày Tết, cả nhà cũng không phải đi đến từng nhà như trước mà cùng nhau đi lễ chùa, uống trà, xem phim… Trẻ nhỏ được gần gũi, chơi đùa cùng ông bà, ba mẹ… Thế là từ đó đến nay tôi đã không còn sợ Tết nữa”, chị Phương kể.
Theo các chuyên gia tâm lý, phụ nữ trước nay vẫn được coi là nội trợ trong gia đình. Tuy nhiên, không phải bất cứ điều gì truyền thống để lại cũng đều tốt đẹp. Người phụ nữ ở thời đại 4.0 phải biết gạn đục khơi trong, những gì không còn phù hợp với điều kiện ngày nay chúng ta có thể chủ động thay đổi. Cụ thể, với công việc nhà, chị em đừng đợi chồng tự giác, hãy chủ động phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình, tạo việc làm cho chồng, không nên chiều chồng con quá khiến các ông “rảnh rỗi sinh nông nổi”.
Để tránh cho chị em những áp lực trong ngày Tết, các thành viên trong gia đình, nhất là người chồng, cũng phải biết cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ trước những công việc mà chị em phải gánh vác. Ngày Tết, mỗi người một tay một chân, việc nặng hóa nhẹ, những việc nào không cần thiết thì không cần làm, đơn giản gọn nhẹ. Ngày trước là ăn Tết nhưng bây giờ là chơi Tết. Ngày Tết hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi.
Tết năm nào cũng có, nhưng nếu năm nào cũng bị trói buộc bởi những ám ảnh không tên thì chẳng người phụ nữ nào thấy vui vẻ, hào hứng với Tết nữa. Tết là phải vui, thế nên chị em thay vì phải tất bật tổ chức, chuẩn bị Tết, hãy giản lược bớt. Cái nào bỏ được cứ mạnh dạn bỏ, cái nào đơn giản được cứ đơn giản để dành thời gian vui vẻ, nghỉ ngơi bên gia đình.
HẢI YẾN