Bất an với chó, mèo thả rông - Kỳ cuối: Siết chặt quy định và chế tài xử phạt
Các địa phương và đơn vị có liên quan đã triển khai nhiều giải pháp xử lý tình trạng nuôi, thả chó, mèo không bảo đảm an toàn cho người dân. Tuy nhiên, việc này còn gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng TT.Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) ra quân bắt chó thả rông trên địa bàn. |
Còn nhiều khó khăn
Trước vấn nạn chó thả rông gây nguy hiểm cho người đi đường, năm 2024, các xã, thị trấn của huyện Châu Đức đã tổ chức nhiều đợt vây bắt chó, kết hợp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm khi nuôi động vật. Qua các đợt này, huyện bắt được 102 con chó thả rông, trong đó có 48 con có chủ đến nhận, 54 con buộc phải tiêu hủy.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Đức, các địa phương trên địa bàn đã nỗ lực bắt chó thả rông, nhưng giải pháp này gặp nhiều khó khăn, không đạt hiệu quả như mong đợi. Các địa phương chưa có địa điểm nuôi nhốt chó bảo đảm. Đội ngũ bắt chó chưa có nhiều kinh nghiệm. Mức xử phạt người nuôi chó thả rông hiện nay khá cao nên khi chó bị bắt thì nhiều hộ dân chấp nhận bỏ vật nuôi. Mặt khác, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình ký cam kết không thả rông vật nuôi, nhưng nhiều trường hợp chưa nghiêm túc thực hiện.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật còn nhiều hạn chế. Hầu hết các địa phương chưa quản lý chính xác được đàn chó, mèo. Một số người nuôi chó ở vùng nông thôn chưa có thói quen tự giác kê khai số lượng con vật đang chăn nuôi với địa phương khi có phát sinh đàn, đồng thời cũng chưa chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho công tác thống kê tổng đàn còn thấp. Việc chi trả cho người tham gia phối hợp dẫn đường, ghi chép phục vụ công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo và động vật khác chỉ 50 ngàn đồng/công nên dẫn đến tình trạng thiếu người dẫn đường. Các địa phương chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm về quản lý chó nuôi theo quy định, đặc biệt là xử lý hành vi không chấp hành việc tiêm phòng cho đàn chó nuôi.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là ở những nơi xảy ra người tử vong do bệnh bại. Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo. Điều tra, truy tố các trường hợp không tuân thủ đúng quy định việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
|
Tăng cường quản lý vật nuôi
Mới đây, huyện Côn Đảo đã triển khai giải pháp đeo thẻ có mã QR cho chó, mèo. Đây được đánh giá là một biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý đàn vật nuôi. Theo đó, mã QR cho phép người truy cập có thể biết một số thông tin cần thiết như: tên chủ vật nuôi, địa chỉ nhà, số chó nuôi và tình trạng tiêm chủng của vật nuôi. Việc đeo thẻ có gắn mã QR cho chó, mèo sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ vật nuôi, thay đổi thói quen nuôi chó chưa đúng quy định.
Ông Trần Thanh Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, từ tháng 11/2024, Tổ xử lý chó thả rông của huyện đã tăng cường xử lý tình trạng chó thả rông không có thẻ đeo gắn mã QR, chó hoang và áp dụng các biện pháp xử lý triệt để. Trường hợp chó không đeo thẻ có mã QR, Tổ xử lý sẽ truy bắt dưới mọi hình thức. Trường hợp chó đeo thẻ gắn mã QR đi rông trên các tuyến đường, nơi công cộng mà không bảo đảm quy định quản lý chó, UBND huyện phạt nguội thông qua quét mã QR xác định thông tin, kèm hình ảnh vi phạm. Trường hợp chó có đeo thẻ gắn mã QR nhưng vi phạm quy định về nuôi chó và vi phạm lần 2, không giải quyết chuộc lại và tiến hành xử lý theo đúng quy định. “Chúng tôi áp dụng các biện pháp trên nhằm xử lý tình trạng chó hoang vô chủ”, ông Huyền nói thêm.
Tại Châu Đức, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Thời gian tới, địa phương nào để xảy ra chết người do chó thả rông hoặc phát bệnh dại thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đó”.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đánh giá, công tác tiêm phòng dại được đơn vị thực hiện hàng năm. Trong đó, chi cục tổ chức tiêm đợt chính từ tháng 4-5 và tiêm vét, tiêm bổ sung trong các tháng còn lại. Chi cục còn thiết lập thêm “Điểm tiêm phòng cố định” tại 39 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và TX.Phú Mỹ nhằm tạo điều kiện cho người nuôi chó, mèo chủ động thời gian mang vật nuôi đến tiêm phòng.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN-PTNT) thông tin thêm, chi cục còn triển khai kế hoạch tiêm phòng đối với 100% đàn chó nuôi các địa phương xuất hiện ổ dịch dại. Những địa phương khác phải tiêm đạt tỷ lệ 90% trên tổng số chó nuôi. Hơn nữa, khi phát hiện chó nghi dại, chó cắn người, hoặc nhiều chó mèo ốm, chết không rõ nguyên nhân, người dân cần báo ngay với chính quyền địa phương.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, ngày 20/12/2024, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 18971/UBND-VP yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương cần thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương thành lập tổ giám sát, bắt và xử lý chó, mèo thả rông, nhất là chó, mèo chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh dại trong vùng đang có ổ bệnh dại; xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã.
Các địa phương yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh dại cam kết thực hiện đúng, đầy đủ quy định về nuôi, quản lý, khai báo, tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh dại; không để chó, mèo thả rông. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư, chủ vật nuôi phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh, đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt.
NHÓM PHÓNG VIÊN