Bất an với chó, mèo thả rông - Kỳ 2: Không thể buông lỏng thêm nữa
Việc nuôi, thả chó, mèo tự do, không bảo đảm an toàn sẽ gây ra mối hiểm họa không chỉ cho người đi đường mà cả chủ nuôi. Những vụ tai nạn gây thương tích nặng, hay lây truyền bệnh dại từ chó, mèo đã cướp đi tính mạng của nhiều người.
Nhiều người nuôi chó, mèo chưa tuân thủ các quy định về nuôi động vật. Trong đó, một số gia đình chưa tự giác tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo. |
Gây tai nạn hằng ngày
Khoảng 17h30 ngày 23/11/2024, N. (SN 2012) chạy xe đạp điện tại con hẻm thuộc KP.Kim Giao (TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức) thì bất ngờ có đàn chó chạy ngang đường. Do không thắng xe kịp nên đã tông thẳng vào đàn chó và té xuống đường. Hậu quả, N. phải nhập viện cấp cứu; bị gãy tay trái, phải bó bột và nhập viện điều trị.
Trước đó, sáng 22/5/2024, ông H. (huyện Long Điền) điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường Tỉnh lộ 44A. Khi đến đoạn thuộc ấp An Thạnh, xã An Ngãi (huyện Long Điền), ông H. tông phải chó thả rông và ngã ra đường. Cùng thời điểm, xe ô tô do ông T. điều khiển phía sau đã tông vào khiến ông H. tử vong.
Một trường hợp éo le khác khi tông phải chó thả rông đã phải ngồi xe lăn suốt đời là anh V. (xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ). Người nhà anh V. cho biết, đầu năm 2020, khi đang lưu thông trong con hẻm, anh đã tông phải chó thả rông. Cú ngã xe khiến anh bất tỉnh tại chỗ. Anh phải chuyển từ Bệnh viện Bà Rịa lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị bởi anh bị tổn thương não. Sau gần 3 tháng tích cực điều trị, anh V. đã vượt qua “cửa ải tử thần”, nhưng để lại di chứng nặng nề. Anh bị liệt nửa người, không thể đi lại được, phải ngồi xe lăn. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, chăm sóc mẹ già và con nhỏ, giờ anh V. lại trở thành gánh nặng cho người thân.
Trên đây là 1 trong những trường hợp mà chó thả rông đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông thời gian qua. Thế nhưng, khi tai nạn xảy ra, người nuôi chó dù biết đó là chó của nhà mình nhưng họ luôn phủ nhận mỗi khi vật nuôi gây tai nạn nhằm né tránh trách nhiệm.
Chị N. (ở huyện Xuyên Mộc) nói: “Khi chó thả rông ra đường gây tai nạn, cắn người đi đường thì người dân phải tự bỏ tiền mua thuốc và sửa xe, không biết người chủ ở đâu để người ta có trách nhiệm. Tôi mong cơ quan chức năng sớm xử lý tình trạng này để bảo đảm an toàn giao thông”.
Chó thả rông đang là tình trạng chung của nhiều địa phương. Nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra do chó thả rông. Ngoài ra, chó thả rông còn tạo cơ hội cho các đối tượng trộm cắp chó hoạt động dẫn đến mất an ninh trật tự trên địa bàn. Tôi cho rằng, vấn đề chó thả rông không thể xem như chuyện nhỏ.
Ông Tống Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND TT.Phước Bửu,
huyện Xuyên Mộc
|
Mất đi sinh mạng khi bị bệnh dại
Ngoài mất an toàn giao thông, việc chăn, thả chó ra đường không đeo rọ mõ, không có chủ quản lý hoặc người nuôi không chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi còn là nguyên nhân chính gây ra bệnh dại ở người.
Bên cạnh đó, khi bị chó, mèo cào, cắn, nhiều nạn nhân thiếu hiểu biết, không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Bởi khi đã lên cơn dại, người bệnh không còn cơ hội sống. Chỉ tính trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại gây ra.
Cuối tháng 5/2024, bà D., (phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) bị mèo nhà nuôi cào vào cẳng chân, gây chảy máu. Con mèo này không được gia đình tiêm vắc xin dại. Nghĩ mèo nhà nuôi mấy năm nay hiền, chưa cào cắn ai nên bà D. không đi chích vắc xin phòng dại.
6 tháng sau, khi thấy cơ thể mệt mỏi, khó thở, bứt rứt, ho khạc nhiều nên người nhà đưa bà D. lên bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh khám. Đáng tiếc là bệnh nhân bị mắc bệnh dại, nên đã tử vong chỉ sau 1 ngày được chẩn đoán bệnh.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có hơn 31.750 hộ nuôi chó (tăng khoảng 13% so với năm 2023), với tổng đàn là 62.395 con. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho khoảng 56.540 con chó.
|
Bác sĩ Nguyễn Viết Điện, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bệnh dại là bệnh gây ra bởi vi rút dại. Bệnh lây truyền từ động vật như chó, mèo sang người qua dịch tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với vi-rút dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như là 100%.
Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả bệnh sau khi các dấu hiệu của cơn dại xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm. “Khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh sớm và đầy đủ các mũi theo chỉ dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Điện khuyến cáo.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận số ổ dịch và người đến tiêm phòng vắc xin dại đều tăng hơn so với năm trước. Theo đó, tỉnh có 6 ổ dịch nghi dại trên chó, mèo và 4 ổ dịch dại. Hơn 11.150 trường hợp tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại, tăng hơn 5.170 người so với năm 2023.
(Còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN