.

Phòng ngừa dị ứng mũi theo mùa

Cập nhật: 17:28, 27/12/2024 (GMT+7)

Hỏi: Tôi thường xuyên bị hắt hơi, chảy nước mũi, nhất là vào buổi sáng khi trời mưa hoặc lạnh. Cơn hắt hơi kéo dài nhiều giờ, nước mũi trong, mũi không đau, không nhức đầu hay sốt. Khi trời ấm lên thì tự hết mà không cần uống thuốc. Vậy đó có phải là bệnh không và nên chữa trị như thế nào?

(xuli@gmail…)

Trả lời: Theo mô tả của bạn, có thể bạn đã bị một chứng mà y học gọi là viêm mũi dị ứng theo mùa. Đây là bệnh kéo dài từ năm này qua năm khác, phụ thuộc vào các tác nhân gây dị ứng như độ ẩm không khí tăng cao, nhiệt độ lạnh, mùa nở hoa của một số loại cây nào đó, mưa gió tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển trên tường nhà…

Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và được chia thành 2 trường hợp: Một là viêm mũi dị ứng do tiếp xúc với hóa chất như mùi sơn, mùi nước hoa, mùi khói xe…, lông hoặc phân động vật như chó, mèo, chim, nấm mốc… nhưng nếu ngừng tiếp xúc với những tác nhân ấy, viêm mũi dị ứng sẽ tự hết.

Trường hợp thứ hai là viêm mũi dị ứng theo mùa. Nó xảy ra với những người suy giảm hệ miễn dịch, người có tiền sử hen suyễn. Cứ hễ thời tiết thay đổi, chủ yếu là nắng chuyển sang mưa, nóng chuyển sang lạnh thì viêm mũi bộc phát. Nó thể hiện bằng những cơn hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, đôi khi ngứa mắt, chảy nước mắt, khàn giọng, phải thở bằng miệng. Nếu bị nhiễm khuẩn, có thể dẫn đến viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng não...

Để điều trị chứng viêm mũi dị ứng theo mùa, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, làm các xét nghiệm nhằm loại trừ các nguyên nhân như viêm mũi có nguồn gốc không dị ứng (hay còn gọi là viêm mũi vận mạch), viêm mũi mạn tính không do dị ứng, viêm mũi hỗn hợp và viêm mũi do virus.

Hắt hơi kéo dài vì viêm mũi dị ứng theo mùa.
Hắt hơi kéo dài vì viêm mũi dị ứng theo mùa.

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể kết hợp một số cách như rửa mũi bằng nước muối sinh lý (có bán tại các nhà thuốc Tây), hoặc đun sôi một nồi nước có vài củ sả đập dập rồi mở nắp vung để hơi nóng bốc lên mặt, mũi trong vài phút. Bên cạnh đó, bạn nên giữ ấm cho vùng mũi mỗi khi thời tiết chuyển mùa bằng cách quấn khăn che kín mũi khi ra ngoài, vệ sinh nhà cửa hàng ngày, giặt gối, nệm, chăn, chiếu hàng tuần, hạn chế bồng ẵm, ôm ấp thú cưng, thường xuyên mở cửa các phòng để tránh nấm mốc.

Thạc sĩ Y Sinh học PHAN QUYÊN

.
.
.