Giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới: Hài hòa lợi ích, đảm bảo chất lượng
Từ ngày 16/12, Nghị quyết số 87/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở KCB của Nhà nước trên địa bàn tỉnh có hiệu lực. Việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB lần này có tác động đến cơ sở y tế lẫn người bệnh.
Giá dịch vụ khám, chữa bệnh lần này chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương vẫn giữ nguyên yếu tố chi phí trực tiếp và phụ cấp trong kết cấu giá. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa khám bệnh cho người dân. |
Chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương
Bệnh viện Bà Rịa đang thực hiện giá KCB theo Thông tư 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp và tiền lương (với mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng) và Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp và tiền lương (1,49 triệu đồng). Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Từ ngày 1/7/2024, bệnh viện phải trả lương cho người lao động theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng từ nguồn thu KCB. Tính theo mức lương mới này, trung bình mỗi tháng, bệnh viện phải chi khoảng 14 tỷ để trả lương cho nhân viên, tăng khoảng 4 tỷ đồng so với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng. Điều này gây thiệt thòi cho bệnh viện.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Trưởng phòng Tài chính-Kế toán (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, tiền lương là một yếu tố chi phí quy định tại Luật KCB và Nghị định 96/2023/NĐ-CP đã được điều chỉnh tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP. Hơn nữa, theo Thông tư 21/2024/TT-BYT quy định phương pháp định giá dịch vụ KCB, Bệnh viện Bà Rịa đề xuất chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng trong kết cấu giá dịch vụ, yếu tố chi phí trực tiếp và phụ cấp vẫn giữ nguyên như trước. Theo Nghị quyết số 87/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Quy định giá dịch vụ KCB, Bệnh viện Bà Rịa được phê duyệt gần 9.300 dịch vụ thuộc 3 lĩnh vực: khám bệnh, ngày giường và kỹ thuật. “Tùy theo từng dịch vụ cụ thể, sau khi điều chỉnh yếu tố tiền lương lên 2,34 triệu đồng thì giá dịch vụ KCB sẽ tăng từ 1-19%, còn tính trung bình tất các cả dịch vụ chỉ tăng 6%”, bà Vân cho hay.
Tương tự, Bệnh viện Vũng Tàu cũng đang tính giá dịch vụ KCB như Bệnh viện Bà Rịa. Từ tháng 7/2024 đến nay, trung bình mỗi tháng, bệnh viện chi tăng khoảng 1,9 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên theo mức lương cơ sở mới 2,34 triệu đồng. Thời gian này, yếu tố tiền lương trong kết cấu giá dịch vụ KCB vẫn tính theo mức lương cũ đã gây khó khăn về tài chính cho bệnh viện đang tự chủ tài chính nhóm 2. Do đó, khi HĐNĐ tỉnh phê duyệt giá dịch vụ KCB cho hơn 9.000 dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở mới có ý nghĩa tăng nguồn thu cho bệnh viện. Số kinh phí này được bệnh viện dùng để trả lương và phụ cấp theo lương cho nhân viên.
Nghị quyết số 87/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định mức giá dịch vụ KCB thuộc 4 lĩnh vực: khám bệnh và hội chẩn, ngày giường bệnh, kỹ thuật và xét nghiệm, kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm thuốc và oxy. |
Có ảnh hưởng nhưng không đáng kể
Nghị quyết số 87/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ KCB thuộc danh mục quỹ BHYT thanh toán; giá dịch vụ KCB do ngân sách Nhà nước chi trả; giá dịch vụ KCB không thuộc danh mục do quỹ BHYT thanh toán mà không phải là dịch vụ KCB theo yêu cầu đối với các cơ sở KCB của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Vì thế, sau khi điều chỉnh yếu tố tiền lương theo mức lương cơ sở mới, thì giá dịch vụ KCB (gồm: chi phi trực tiếp, phụ cấp, tiền lương) sẽ tăng lên, ảnh hưởng tới người bệnh. Chẳng hạn, đối với bệnh viện hạng 2, trước đây giá dịch vụ khám bệnh là 37,5 ngàn đồng, nay tăng lên 45 ngàn đồng; ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 359 ngàn đồng, nay tăng lên 418,5 ngàn đồng…
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB lần này, quỹ BHYT đủ khả năng cân đối. Điều này là do chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm (lũy kế kết dư năm 2023); đồng thời số thu quỹ BHYT tăng do có sự điều chỉnh mức lương cơ sở thường sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Sự điều chỉnh giá KCB ít nhiều cũng ảnh hưởng đến người bệnh. Riêng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán chi phí KCB ở 100% không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các đối tượng phải đồng chi trả BHYT ở mức 20% hoặc 5% thì phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở.
Các đối tượng chưa có thẻ BHYT, số lượng này chiếm tỷ lệ ít trong tổng dân số nên việc điều chỉnh giá KCB có ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ KCB, nhưng vẫn ở mức hợp lý, người bệnh có khả năng chi trả được.
Các bệnh viện cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương cơ sở mới rất cần thiết cho các đơn vị. Vừa góp phần tăng nguồn thu cho bệnh viện, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu KCB của người dân.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM