Thương con thì phải thương đồng đều

Thứ Sáu, 01/11/2024, 16:55 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều gia đình có từ hai con trở lên xuất hiện sự “thiên vị” của cha mẹ giữa các con. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý và tình cảm của con trẻ. Vậy, làm thế nào để luôn giữ được sự công bằng, không gây tổn thương các con.

Đối xử thật công bằng với các con mới là phương pháp dạy con đúng đắn.
Đối xử thật công bằng với các con mới là phương pháp dạy con đúng đắn.

Cô đơn trong chính tổ ấm

Ngay từ những năm học cấp 2, Hà Trang (17 tuổi) đã loáng thoáng nhận ra cách bố mẹ thương yêu các con dường như không đồng đều. Nhà có 2 chị em, nhưng đứa em trai kém Trang 3 tuổi luôn được ưu ái, mọi việc trong nhà cậu ấy không hề động tay đến, chỉ lo học. Còn Trang dường như không có lý do gì để được yêu thương. Ngay cả trong cách xưng hô, mẹ lúc nào cũng xưng “mẹ” ngọt ngào với con trai nhưng lại xưng “tôi” với chị.

Lên đến cấp 3, lịch học của Trang ngày càng nhiều, song hôm nào Trang cũng phải dời lịch học bài để sắp xếp thời gian dọn nhà, nấu cơm, giặt quần áo phụ mẹ. Trong khi đó, người em trai chỉ loanh quanh trong phòng hết chơi game rồi tụ tập trà sữa với bạn bè, không hề đếm xỉa đến việc nhà. Vậy mà mỗi lúc nhắc đến, ba mẹ không chỉ hết lòng bênh vực người em trai mà còn quay sang trách móc Trang khiến Trang không thôi ấm ức.

Không chỉ những đứa trẻ còn nhỏ mới có sự thiên vị, kể cả những đứa con đã trưởng thành cũng cảm thấy ba mẹ đối xử không công bằng giữa những người con trong gia đình. Gia đình anh Thắng, chị Vân (phường 3, TP. Vũng Tàu) là một điển hình. Nhà chỉ có 2 anh em trai, khi đứa con lớn anh vào đại học thì đứa nhỏ vào cấp 3. Khi đó, anh chị vừa thành công về kinh tế nên muốn cải thiện điều kiện cho con bằng cách cho đứa nhỏ đi du học tại Úc. Anh chị suy nghĩ rằng đứa lớn đã vào đại học thì coi như ổn định, dồn vào đứa nhỏ chuẩn bị cho tương lai.

Không ngờ, đứa lớn bất mãn, dần bỏ bê việc học, ham chơi bời. Đến khi anh mắng, nó mới trách rằng: “Khi con xin ba mẹ đi du học thì ba mẹ bảo nhà không có điều kiện nên không cho, bảo con chỉ cần tập trung vào học trong nước. Còn em thì ba mẹ đầu tư cho đi nước ngoài học để mở mang đầu óc, tiếp xúc xã hội, phát triển sự năng động. Chẳng lẽ chỉ có em mới cần du học nước ngoài, còn con chỉ cần loanh quanh trong nước thôi sao?

Nghe con nói, anh Thắng mới bàng hoàng, không ngờ điều vợ chồng anh nghĩ đơn giản lại trở nên phức tạp đối với các con như vậy.

Theo một khảo sát tại Đại học Cornell, Mỹ, có khoảng 70% các bà mẹ có thể dễ dàng chọn được một đứa trẻ mà họ cảm thấy thân cận và gần gũi nhất và khoảng 15% những đứa trẻ đã chia sẻ rằng chính bản thân chúng đã một lần từng cảm thấy bị phân biệt đối xử bởi chính cha mẹ của mình.

Hạnh phúc đến từ sự công bằng

Các chuyên gia tâm lý trẻ em đều thừa nhận, đứa con bị đối xử thiếu công bằng sẽ sinh ra mặc cảm và ganh tị cũng như là ghét bỏ anh/chị/em của mình. Từ đó trẻ trở nên ương bướng, khó bảo. Thậm chí, chúng sẽ tự cô lập bản thân dẫn đến trầm cảm.

Còn đứa con được quan tâm hơn thường dễ kiêu ngạo. Sự nuông chiều hay bảo bọc quá mức khiến “sức đề kháng” của trẻ kém dễ bị lôi kéo, sa ngã khi bước ra ngoài xã hội. Thậm chí, nếu việc thiên vị kéo dài có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các con kéo dài cho đến khi những đứa trẻ trưởng thành.

Đối xử thật công bằng với các con mới là phương pháp dạy con đúng đắn. Trước tiên, cha mẹ không bao giờ hoặc giảm thiểu tối đa những áp đặt thứ tự chưa đúng về ưu tiên hay được quan tâm hơn như “trẻ nhỏ được ưu tiên hay trẻ lớn phải nhường”. Nó sẽ khơi lên lòng đố kị giữa các con và đứa trẻ được chiều hơn cũng sẽ có thể trở nên kiêu căng hơn với đứa còn lại và dẫn tới mâu thuẫn.

Tiếp đó, cha mẹ cần phải nhìn nhận lại hành động của mình để điều chỉnh cho phù hợp. Không bao giờ được quên thể hiện hành động yêu thương với các con không chỉ dừng ở lời nói. Cùng với đó, cha mẹ phải luôn quan tâm đến thái độ, tâm trạng của con, nếu trẻ có những biểu hiện ganh tị, cha mẹ cần gần gũi, hỏi han để trẻ bộc bạch cảm xúc. Việc dung hòa này không chỉ nằm ở việc nói cho các con hiểu mà phải thể hiện qua từng hành động hàng ngày.

Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý đến việc cho con cảm giác không bị yếu vế so với những anh, chị, em mình. Nếu có những lý do đặc biệt phải có sự thiên lệch thì hãy giải thích cho đứa còn lại để con hiểu anh chị em của chúng đang cần sự quan tâm và chăm sóc nhiều hơn vì những lý do cụ thể nào đó để con thấu hiểu, tránh để con rơi vào cảm giác chán chường, tủi thân vì nghĩ cha mẹ thương anh, chị, em hơn thương mình.

Cuối cùng, cha mẹ cũng nên dành thời gian riêng tư đưa con đi ăn, đi chơi đều đặn. Điều này giúp trẻ cảm thấy cha mẹ vẫn luôn quan tâm đến mình chứ không phải chịu ấm ức, tủi hờn chỉ vì cha mẹ đối xử không công bằng, thiên vị anh/chị/em của bé hơn. 

THẢO NGUYÊN

;
.