.

Khổ với con nhà lính, tính nhà quan

Cập nhật: 18:25, 22/11/2024 (GMT+7)

Giữa nhịp sống hối hả, những người làm cha, làm mẹ luôn có hàng trăm nỗi niềm trong lòng, từ lo cái ăn, cái mặc đến việc dạy dỗ con cái nên người. Trong những nỗi niềm ấy, có những phụ huynh chia sẻ họ khổ tâm vì con đua đòi dù hoàn cảnh kinh tế gia đình chẳng dư dả gì.

Cha mẹ chỉ nên cho con những gì con cần, đừng cho những gì con muốn.
Cha mẹ chỉ nên cho con những gì con cần, đừng cho những gì con muốn.

Bắt bệnh thói học đòi của con

Vợ chồng anh Sang (phường 12, TP.Vũng Tàu) có hai con. Cô con gái lớn đang học đại học ở TP.Hồ Chí Minh, con trai thứ học lớp 11. Anh chị bán quán ăn nhỏ nên kinh tế gia đình không mấy khá giả, chỉ đủ ăn và lo cho con học hành. Làm được bao nhiêu tiền, anh chị không dám tiêu xài cho riêng mình mà dành dụm để lo cho con. Ấy thế mà Hà Trang, cô con gái lớn, cứ vài hôm lại gọi điện về nhà xin tiền ba mẹ, nào là đóng học phí, học thêm, rồi mua điện thoại xịn, xe tay ga... Mỗi tháng, vợ chồng anh Sang phải gửi 5 triệu đồng cho con chi tiêu, có tháng cao điểm lên đến hơn chục triệu đồng.

Vừa qua, hỏi thăm bạn bè của con về quê chơi, anh Sang mới tá hỏa khi biết con mình ở thành phố không lo học hành mà tối ngày giao du với các bạn nhà có điều kiện và ham chơi. Nhóm này thường rủ nhau đi vũ trường, karaoke, xem phim, cà phê... Hà Trang đang yêu một chàng trai trong nhóm, cũng thuộc diện đua đòi, mê chơi hơn học.

“Khi biết chuyện, vợ chồng tôi đã bỏ công bỏ việc lặn lội lên thành phố gặp con để khuyên cháu tập trung học hành. Thấy cậu người yêu của con bé tính tình không tốt nên tôi bảo con chấm dứt tình cảm ngay, nhưng nó không chịu nghe rồi trốn biệt", anh Sang buồn bã kể.

Chung cảnh ngộ, vợ chồng chị Hoài (phường 10, TP.Vũng Tàu) cũng nhiều phen “lên bờ xuống ruộng” với đứa con trai đua đòi, ham chơi. Mới học lớp 11, nhưng Việt, con trai chị Hoài, đã đòi tiền mua iPhone, iPad, rồi laptop, xe xịn... trong khi ba mẹ chỉ là công nhân, tổng thu nhập cả gia đình chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng. Chưa hết, Việt còn thường xuyên trốn học để tụ tập cùng bạn bè ở quán cà phê, các tụ điểm vui chơi, la cà nhậu nhẹt đến tối mịt mới về.

Chị Hoài cho biết, con bảo đi học nhóm ở nhà bạn nên vợ chồng chị cũng yên tâm. Tuần vừa rồi họp phụ huynh, cô chủ nhiệm nhắc nhở gia đình cần quan tâm đến Việt nhiều hơn vì em thường xuyên bê trễ việc học, điểm số ngày càng tụt dốc, anh chị mới vỡ lẽ. “Vợ chồng tôi nói thì cháu bảo học để làm gì. Nó nói thích học đánh đàn, tôi rất lo vì nghề này đâu dễ kiếm tiền. Giờ tôi rất bối rối không biết khuyên bảo con thế nào”, chị Hoài thở dài nói.

Cho thứ con cần, đừng cho thứ con muốn

Trong câu chuyện, nhiều phụ huynh thường nhắc đến xu hướng nổi loạn, đua đòi của con trẻ. Nhỏ thì mè nheo đòi ba mẹ mua đồ chơi này, vật dụng kia, lớn thì đòi điện thoại, xe cộ, vật dụng đắt tiền...

Theo các chuyên gia tâm lý xã hội, bên cạnh nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của môi trường xung quanh khiến trẻ em rất dễ bắt chước hành động của bạn bè hay người lớn mà sinh ra thói đua đòi, nguyên nhân chủ quan đầu tiên phải kể đến là do sự nuông chiều con của các bậc phụ huynh. Cha mẹ thương con, cái gì cũng chiều. Ban đầu chỉ là ly trà sữa, cái kẹo... nhưng dần dần trẻ càng lớn thì đòi hỏi càng nhiều. Trong khi đó, cha mẹ không biết tạo điểm dừng, dẫn đến trẻ mắc bệnh đua đòi.

Ngoài ra, tâm lý đua đòi nhiều khi còn do chính cha mẹ cũng đua đòi, muốn con mình hơn người khác. Trường hợp này vô tình khiến con trở thành nạn nhân để cha mẹ khoe của. Thậm chí, cũng có phụ huynh không muốn con bị mặc cảm với bạn bè vì đã lỡ đưa trẻ vào nhóm bạn của con hay bạn của cha mẹ giàu có, đến khi khánh kiệt phải xoay tiền giúp con không thua kém bạn bè. Do đó, muốn ngăn chặn bệnh đua đòi của con thì ý thức của người lớn trong gia đình cần phải điều chỉnh.

Nếu đạt được điều mình muốn quá dễ dàng, con trẻ sẽ nghĩ rằng tất cả mọi người phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của mình. Từ đó, trẻ dễ sinh tâm lý đòi hỏi. Vì thế, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là thay đổi suy nghĩ, điều chỉnh cách ứng xử với phương châm “Chỉ cho con những gì con cần, đừng cho những gì con muốn”. Sẽ rất tốt nếu ngay từ khi còn nhỏ, con hiểu rằng sẽ không thể có tất cả những gì mình muốn, bởi lẽ nguồn tài chính gia đình là có hạn.

Cùng với đó, phụ huynh hãy để con làm quen với việc quản lý tài chính. Phương pháp trao quyền lựa chọn cũng thường được áp dụng trong huấn luyện kiểm soát tài chính. Cụ thể, thay vì ép buộc con làm một việc gì đó, cha mẹ hãy trao quyền cho con mua một số đồ với một khoản tiền nhất định và hướng dẫn sử dụng tiền đúng cách.

Ngoài ra, phụ huynh có thể trao đổi với thầy cô để nhờ họ quan tâm đến con cái mình hơn về việc học hành cũng như lối sống. Nếu có điều kiện, hãy tìm hiểu mối quan hệ bạn bè của con, khuyến khích con kết thân với những người bạn tốt, chăm chỉ học hành. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, ảnh hưởng của bạn bè tốt sẽ giúp các em học hỏi và thay đổi bản thân.

THẢO NGUYÊN

 
.
.
.