.

Tuyệt chiêu trị trẻ được voi đòi tiên

Cập nhật: 18:24, 22/11/2024 (GMT+7)

Đứng trước yêu cầu từ bé, cha mẹ sẽ có hai lựa chọn: đồng ý hoặc không. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để đáp ứng mà không làm hư bé, hoặc từ chối mà không khiến con cáu kỉnh, ăn vạ?

Để lời từ chối có hiệu lực, cha mẹ nên kiên định nói
Để lời từ chối có hiệu lực, cha mẹ nên kiên định nói "không" dù bé mè nheo.

Nói "có" nhưng nên kèm theo điều kiện

Dù có khả năng đáp ứng yêu cầu của bé nhưng cha mẹ không nên vội vàng thỏa mãn ngay. Thay vào đó, nên để bé có cơ hội thực hiện một hành vi tốt mới được thứ bé muốn. Ví dụ, bé đề nghị: “Con muốn xem hoạt hình” thì cha mẹ có thể đáp: “Được, nhưng con phải hoàn thành xong bài tập về nhà đã”. Hoặc khi bé nói: “Con đói” cha mẹ có thể đáp: “Ba/mẹ biết, nhưng con giúp mẹ dọn bàn ăn nhé. Sau đó, mẹ con mình cùng rửa chén nhé”.

Khi đòi hỏi từ bé vượt ngoài tầm kiểm soát, cha mẹ nên từ chối. Để lời từ chối có hiệu lực, cha mẹ nên kiên định nói “không” dù bé mè nheo. Đồng thời, giải thích lý do tại sao cha mẹ nói “không” để bé không ấm ức. Nên nhớ là cha mẹ chỉ cần giải thích lý do một lần duy nhất.

Nếu điều bé muốn là thứ cha mẹ có thể đáp ứng nhưng không phải ngay lập tức, thì cha mẹ nên hướng dẫn bé cách đạt được nó. Ví dụ, cha mẹ muốn bé ăn ngoan rồi mới được mua đồ chơi mới, có thể nói: “Không được vì con đã có nhiều đồ chơi. Nhưng nếu hôm nay con ăn ngoan, ba/mẹ sẽ xem xét lại điều này”.

Làm ngơ trước sự giận dỗi vô cớ của trẻ

Một sự thật là cha mẹ thường mất bình tĩnh khi con có những biểu hiện tiêu cực và tỏ ra quan tâm, dỗ dành, giải thích cho con. Việc này vô tình khiến trẻ nghĩ rằng những hành động đó là đúng đắn và sẽ tiếp tục. Cha mẹ nên thử phớt lờ trước những hành vi tiêu cực của trẻ, để mặc con khóc, không dỗ dành, không quát mắng, không làm gì cả. Việc của cha mẹ là ở gần bé, quan sát và đảm bảo bé vẫn được an toàn.

Chắc chắn rằng con sẽ không thể khóc mãi. Trong lúc khóc, trẻ sẽ tò mò quan sát xung quanh. Khi cơn giận dỗi của bé đã lắng xuống, cha mẹ có thể lại gần và bày ra một vài trò chơi để đánh lạc hướng, giúp bé “quên” đi cơn giận.

THƯ KỲ

 
.
.
.