Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Chương trình đã tôn vinh 60 nhà giáo tiêu biểu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi, trao Bằng khen cho cô giáo Dương Diệu Phương. |
Gieo chữ trên “mảnh đất cằn”
60 nhà giáo được tôn vinh là những người đang công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; những thầy cô giáo giảng dạy trong các trường chuyên biệt, thầy giáo mang quân hàm xanh của Bộ đội Biên phòng, và các thầy cô đang công tác tại các trường giáo dưỡng của Bộ Công an.
Góp mặt tại chương trình năm nay có thầy Đặng Văn Bửu (năm sinh 1972) là nhà giáo lớn tuổi nhất, hiện công tác tại Trường THCS Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre với thâm niên 31 năm.
GV trẻ tuổi nhất là cô Dương Diệu Phương (sinh năm 1997) công tác tại Trường TH Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với thời gian công tác 4 năm 10 tháng. Cô Phương cho biết, ngay khi vừa tốt nghiệp ĐH, cô Phương đã quyết định rời quê hương Kiên Giang đến với hải đảo xa xôi để làm việc. “Không ân hận hay băn khoăn về lựa chọn của mình”, đó là chia sẻ của cô giáo trẻ về quyết định khá táo bạo của bản thân. Với cô Phương, không nghề nào có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc như nghề “gieo con chữ”,đặc biệt là ở những nơi mà các em đang cần cô thầy, đang khát khao được chạm đến tri thức.
“Hàng ngày vào lớp, nhìn những khuôn mặt háo hức của các em đang chờ đợi mình giảng bài mà niềm vui xốn xang đến lạ. Tôi yêu nghề nghiệp mình đã lựa chọn, yêu những ánh mắt thơ ngây của bao em học trò đang khát khao vươn lên từ những đói nghèo, lam lũ cho ngày mai tươi sáng đang tới. Tình thầy trò thời nay dù có đổi thay so với trước đây nhưng đó vẫn là một thứ tình cảm thiêng liêng và cao đẹp”, cô Phương xúc động nói.
Ở Côn Đảo chỉ có duy nhất một trường TH với 2 cơ sở. Các em HS ở đây đa số là con em của những người lao động phổ thông. Cha mẹ các em không có nhiều thời gian dành cho việc học của con cái. Vì vậy, vai trò của các thầy cô giáo càng trở nên quan trọng. Nhận thấy điều đó, cô Phương đã tìm hiểu, vạch ra những kế hoạch, phương pháp để giúp các em tiến bộ hơn, đồng hành, tác động để cha mẹ quan tâm các em nhiều hơn.
Cô Phương chia sẻ: “Mỗi bước đi của các em đến trường, dù nhỏ bé, nhưng lại chứa đựng biết bao sự nỗ lực và khát vọng. Và tôi là một phần trong hành trình đó. Hành trình thay đổi cuộc đời, mở ra cơ hội và hy vọng cho những em nhỏ, nhất là những em ở huyện đảo này”.
Nâng niu từng con chữ
Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm khẳng định, người thầy đã góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam qua các thời kỳ, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai dân tộc. Ở mọi thời kỳ và hoàn cảnh, hình ảnh người thầy luôn được trân trọng, tôn vinh. Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” là một trong những chương trình góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu "Tôn sư trọng đạo", thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ, của những lớp học trò đối với các thầy giáo, cô giáo.
Với hành trình 10 năm dạy - học hạnh phúc, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 576 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trên các lĩnh vực, địa bàn của mọi miền Tổ quốc. “Các thầy, các cô, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn bền bỉ và kiên trì nâng niu từng con chữ, văn hóa, tri thức truyền thụ tới HS của mình bằng tất cả tình yêu thương. Sự cống hiến của các thầy cô không chỉ góp phần phát triển năng lực cá nhân cho từng HS, mà còn giúp tạo dựng nền móng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước", Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh.
Trong chương trình gặp mặt các nhà giáo tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ, sự nghiệp giáo dục hiện nay còn nhiều vất vả, nhiệm vụ giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn, những môi trường chuyên biệt, đặc biệt lại thêm nhiều phần vất vả và thử thách.
“Ở những môi trường, điều kiện khó khăn như vậy, ngành Giáo dục, xã hội rất cần những nhà giáo tiên phong nhận nhiệm vụ. Tri thức, lòng yêu nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ chính là hành trang để các thầy cô giáo có thể vượt qua những khó khăn, hy sinh cá nhân để đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đến với những học sinh vất vả, chuyên biệt. Đó chính là sức mạnh của tuổi trẻ và truyền thống tốt đẹp của nghề giáo chúng ta”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nói.
KHÁNH CHI