Cách chữa trị lác sữa ở trẻ

Thứ Sáu, 01/11/2024, 16:51 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Con trai tôi mới 2 tháng tuổi. Gần đây 2 bên má cháu xuất hiện mảng màu đỏ hồng, có nước khiến cháu ngứa. Tôi nghe nói là cháu bị lác sữa. Vậy nhờ bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách chữa trị.

(minhnhang@gmail...)

Trả lời: Lác sữa là bệnh thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh khi được 2 tháng tuổi. Đây là tình trạng viêm da không lây, do trẻ có cơ địa dị ứng hoặc do di truyền. Bệnh được chia thành 3 cấp độ, 1 là cấp tính, thể hiện bằng việc vùng da bị tổn thương với những mụn nước màu đỏ hồng, có chứa dịch, gây ngứa. 2 là mãn tính, vùng da bị tổn thương thành từng mảng, khô, dày, tróc vảy, màu sắc da thay đổi và 3 là thể bán cấp, tổn thương ở giai đoạn trung gian giữa cấp tính và mãn tính.

Mảng lác sữa là các nốt mẩn đỏ nhỏ ly ti, sau đó trở thành mụn nước khiến trẻ ngứa ngáy.
Mảng lác sữa là các nốt mẩn đỏ nhỏ ly ti, sau đó trở thành mụn nước khiến trẻ ngứa ngáy.

Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh lác sữa ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được xác định nhưng các yếu tố như di truyền, cha mẹ mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, dị ứng da, dị ứng thời tiết được xem là nguyên nhân dẫn đến con cái bị lác sữa.

Có thể nhận biết bệnh lác sữa ở trẻ sơ sinh thông qua những dấu hiệu sau: Xuất hiện mảng lác ở hai bên má, trên mặt, có thể ở chân, tay và lan rộng toàn thân. Tổn thương là các nốt mẩn đỏ, nhỏ li ti, sau đó trở thành mụn nước khiến trẻ ngứa ngáy. Nếu bị trầy xước do phản xạ tự nhiên của trẻ là cào vào mặt, nốt sẩn vỡ ra rồi thành vảy. Nếu bị nhiễm trùng, mụn nước sẽ tiến triển thành mụn mủ.

Thông thường, lác sữa ở trẻ sơ sinh sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi khi trẻ từ 1 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nếu trẻ đã hơn 4 tuổi mà vẫn chưa khỏi, lác sữa có thể biến chứng thành chốc, viêm da mụn mủ hoặc chàm da.

Khi trẻ đã bị lác sữa, các bậc cha mẹ cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và hướng dẫn cách điều trị nhằm giúp giảm ngứa, tránh nhiễm trùng.

Không tự ý mua thuốc về bôi vào mảng lác, nhất là những loại thuốc có chứa Corticoid như Hydrocortisone, Betamethasone, Prednisolone… vì những loại thuốc này bôi vào sẽ thấy giảm ngay tức thì nhưng sau một thời gian, lác sữa sẽ tái phát nặng hơn, thậm chí có thể gây suy thận.

Cũng không nên sử dụng những bài thuốc truyền khẩu như đắp cây lá giòi, đắp đậu xanh sống giã nát vì sẽ gây nhiễm trùng nặng.

Đề phòng lác sữa: Nên cho trẻ bú sữa mẹ tối thiểu là 6 tháng sau khi sinh. Tránh cho trẻ ăn dặm quá sớm, độ tuổi trung bình và phù hợp để ăn dặm là khi trẻ được 6 tháng tuổi. Nếu đã bị lác sữa, tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng như hải sản, trứng, đậu phộng, sữa bột, sữa nước và các chế phẩm từ sữa như kem, pho mai, bơ, không tắm nhiều lần trong ngày và tắm quá lâu, hạn chế sử dụng sữa tắm có hóa chất.

Cho trẻ mặc quần áo thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi, giữ cho làn da của trẻ luôn  sạch, khô và thoáng. Tránh để trẻ tiếp xúc với các chất có khả năng gây dị ứng như nấm mốc, khói bụi ô nhiễm, lông vật nuôi như chó, mèo…

Ths, Bs CKII NGUYỄN VĂN ÚT

;
.