Bất cập thu nhập của nhân viên y tế - Kỳ 2: Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng

Thứ Năm, 28/11/2024, 18:22 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Bộ Chính trị khẳng định: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần đãi ngộ đặc biệt”, nhưng thu nhập của nhân viên y tế hiện vẫn rất thấp, mới chỉ bảo đảm một phần cuộc sống. Vì vậy, cần phải điều chỉnh lương, các mức phụ cấp để y, bác sĩ cải thiện chất lượng cuộc sống và yên tâm cống hiến cho ngành.

Bác sĩ Phạm Đức Hiền (Bệnh viện Bà Rịa) cho rằng mức thu nhập của nhân viên y tế chưa thỏa đáng với công sức, cường độ làm việc.
Bác sĩ Phạm Đức Hiền (Bệnh viện Bà Rịa) cho rằng mức thu nhập của nhân viên y tế chưa thỏa đáng với công sức, cường độ làm việc.

Thu nhập chưa tương xứng

Công tác tại Bệnh viện Bà Rịa đã 20 năm nay, thu nhập của bác sĩ Phạm Đức Hiền đạt khoảng 15 triệu đồng/tháng, gồm: tiền lương, ưu đãi theo nghề, phụ cấp đặc thù (trực và phẫu thuật). Bác sĩ Hiền đánh giá, mức thu nhập này chưa tương xứng với quá trình học tập, nỗ lực làm việc và cống hiến của anh cho ngành y. Một tuần anh trực ở bệnh viện 64 tiếng, trong đó có 2 ngày trực 24 tiếng/ngày, thời gian làm việc nhiều hơn các lĩnh vực khác. Mỗi ca trực 24 tiếng, anh nhận được 90 ngàn đồng tiền trực và 15 ngàn đồng tiền cơm. Khi phẫu thuật, anh nhận thêm 65 ngàn đồng/ca (loại 2) thường kéo dài trong nhiều giờ.

Trong đó, những ca phẫu thuật cho bệnh nhân chấn thương nặng, bệnh lý phức tạp diễn ra vào 1-2 giờ sáng đòi hỏi anh phải tập trung cao độ, tránh sai sót. Có những lúc người anh ướt đẫm mồ hôi, chân đi không vững, cơ thể mệt mỏi sau ca mổ kéo dài. Việc đứng phẫu thuật liên tục trong nhiều giờ đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh bị bệnh suy giãn tĩnh mạch ở hai chân. Biết anh yêu nghề, thương bệnh nhân nên vợ anh phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc con cái, vun vén gia đình để anh toàn tâm toàn ý ở bệnh viện.

Các bác sĩ kỳ vọng Nhà nước sẽ nâng lương và mức phụ cấp cho đội ngũ y, bác sĩ.  Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tau khám bệnh cho người dân.
Các bác sĩ kỳ vọng Nhà nước sẽ nâng lương và mức phụ cấp cho đội ngũ y, bác sĩ. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tau khám bệnh cho người dân.

Anh Hiền cho rằng, nghề y rất khác biệt. Vất vả, áp lực ngay từ khi còn học lý thuyết, thực hành trên mô hình đến bệnh nhân tại bệnh viện trong suốt thời gian ở trường đại học. Thời gian học gấp 2-3 lần so với ngành khác, khoảng 8-10 năm. Chi phí học tập, chất lượng đầu vào cao. “Nhà nước đã có quy định đãi ngộ đặc biệt với nhân viên y tế, nhưng tôi chưa cảm nhận rõ được điều này. Thu nhập nhân viên y tế ở bệnh viện công vẫn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống nên một số người đã xin nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện tư có mức lương cao hơn”, bác sĩ Hiền nói.

Một bác sĩ trẻ đang công tác tại bệnh viện công trên địa bàn tỉnh tiết lộ, từ khi vào học đại học đến học bác sĩ chuyên khoa 1 mất gần 10 năm. Tổng chi phí cho các chương trình học này gần 1 tỷ đồng. Với số tiền này, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã phải từ bỏ ước mơ theo đuổi đam mê nghề y. Khi ra trường, đi làm, một ca làm việc 24 giờ chỉ được nhận 90 ngàn đồng, tiền ăn một phiên trực chỉ 15 ngàn đồng không bảo đảm dinh dưỡng để làm việc. 

Bác sĩ này cho biết thêm, với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, anh còn phải trả tiền thuê nhà trọ, nên cuộc sống khá chật vật. Tuy nhiên, anh vẫn kỳ vọng Nhà nước sẽ có nhiều sự quan tâm, chế độ đãi ngộ riêng dành cho nhân viên y tế để xứng đáng với những hy sinh thầm lặng và gian lao của đội ngũ này.

"Mức phụ cấp trực cả ngày lẫn đêm chưa bằng phụ hồ hay shipper làm trong mấy tiếng", một bác sĩ trẻ đang công tác tại bệnh viện công trên địa bàn tỉnh so sánh.

Nâng phụ cấp cho nhân viên y tế

Nhằm đánh giá động lực làm việc của nhân viên y tế, từ tháng 4/2024 đến tháng 7/2024, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Vũng Tàu đã thu thập dữ liệu bằng bảng câu hỏi phỏng vấn soạn sẵn dành cho nhân viên bệnh viện. Kết quả cho thấy, 55,69% nhân viên y tế có động lực làm việc. Người lao động ở nhóm tuổi từ 36-45 có động lực làm việc tích cực cao hơn so với nhóm 22-25 tuổi. Bác sĩ có động lực làm việc tích cực thấp hơn nhóm điều dưỡng và nữ hộ sinh.

Đặc biệt, có tới 78,62% nhân viên y tế của Bệnh viện Vũng Tàu cảm thấy chưa hài lòng về thu nhập và phúc lợi. Điều này được hiểu là mức thu nhập của nhân viên y tế còn thấp, chưa thỏa đáng cũng như kỳ vọng của họ. Kết quả này chỉ là một trong 6 điều kiện đánh giá động lực làm việc của nhân viên y tế và có tính chất tham khảo. Tuy nhiên, việc này đặt ra yêu cầu Bệnh viện Vũng Tàu cần có chính sách tăng thu nhập, mở rộng phúc lợi để nhân viên y tế yên tâm làm việc.

Theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg, chế độ phụ cấp cho người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức: 115 ngàn đồng/người/phiên trực (bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt); 90 ngàn đồng/người/phiên trực (bệnh viện hạng II); 65 ngàn đồng/người/phiên trực (bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương); 25 ngàn đồng/người/phiên trực (trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y). 

Người thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ; trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ. Người lao động thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ 15 ngàn đồng tiền ăn/người/phiên trực. Người mổ chính, người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính được hưởng mức phụ cấp 280 ngàn đồng, 125 ngàn đồng, 65 ngàn đồng và 50 ngàn đồng tương ứng với phẫu thuật loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và loại 3.

Trong số các khoản nhân viên y tế được nhận hàng tháng theo quy định, nhiều người cho rằng, chế độ phụ cấp cho đội ngũ này đang được thực hiện theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch đã hơn 13 năm là quá thấp. Thời điểm áp dụng quyết định này, lương cơ sở đang ở mức 830 ngàn đồng đồng/tháng. Đến nay, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tương đương mức tăng 182%). 

“Các mức phụ cấp theo Quyết định số 73 đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, điều kiện hiện nay. Vì vậy, cần thay đổi mức phụ cấp mới cao hơn, để nâng cao đời sống cho đội ngũ y, bác sĩ”, bác sĩ Trần Thiện Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu bày tỏ.

Trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm năm 2025, diễn ra ngày 4/11, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất xem xét tăng chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ cho đội ngũ y, bác sĩ cũng như hỗ trợ học phí cho sinh viên y khoa. 

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, các bác sĩ là những chiến sĩ thầm lặng trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp cho các ca mổ theo quyết định số 73 đã hơn 10 năm qua không thay đổi. “Chính phủ cần quan tâm điều chỉnh tăng các khoản phụ cấp để động viên, hỗ trợ tinh thần cho đội ngũ nhân viên y tế”, bà Nguyễn Thị Yến đề xuất.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

(Còn nữa)

;
.