.

45 phút báo động đỏ ở Bệnh viện Bà Rịa

Cập nhật: 17:47, 05/11/2024 (GMT+7)

“Báo động đỏ” là mô hình Bệnh viện Bà Rịa triển khai nhằm huy động tối đa nguồn lực ở các khoa, phòng cấp cứu bệnh nhân nguy cấp.

Bệnh viện Bà Rịa diễn tập quy trình báo động đỏ với tình huống giả định một ca tai nạn giao thông nặng.
Bệnh viện Bà Rịa diễn tập quy trình báo động đỏ với tình huống giả định một ca tai nạn giao thông nặng.

Kích hoạt báo động đỏ

Xe cứu thương đưa bệnh nhân nam khoảng 45 tuổi trong tình trạng lơ mơ vào Khoa Cấp cứu. Bệnh nhân bị tai nạn giao thông, mặt mũi nhiều máu, da xanh, niêm mạc nhợt. Bác sĩ trực cấp cứu đánh giá tình trạng của người bệnh ở mức độ nặng, nên chỉ định truyền máu và thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng như siêu âm bụng, chụp X-Quang tại giường.

Cùng lúc đó, điều dưỡng trưởng phiên cấp cứu gọi điện thoại cho phòng MDF 702061 để phát loa mời bác sĩ trưởng tua trực ở các khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật gây mê hồi sức, tai mũi họng, răng hàm mặt đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện cùng hội chẩn và cho hướng điều trị bệnh nhân theo từng chuyên khoa.

Trên đây là một tình huống giả định vừa được Bệnh viện Bà Rịa diễn tập “báo động đỏ”. Khi chế độ “báo động đỏ” được kích hoạt, các bác sĩ, điều dưỡng ở các khoa, phòng liên quan đều nhanh chóng tham gia xử lý tình huống, phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, xử lý cấp cứu bệnh nhân. Toàn bộ quy trình “báo động đỏ” diễn ra khoảng 45 phút, thuộc khung giờ vàng trong việc cấp cứu bệnh nhân nguy kịch.

Trên thực tế, với việc áp dụng quy trình “báo động đỏ”, Bệnh viện Bà Rịa đã nhiều lần cứu chữa thành công nhiều trường hợp bệnh nặng. Điển hình, cách đây khoảng 1 năm, Bệnh viện Bà Rịa thực hiện thành công ca phẫu thuật nối cánh tay phải cho bệnh nhân N.S., (39 tuổi, ở huyện Châu Đức) bị máy đan lưới cuốn đứt rời.

Vào thời điểm bệnh nhân N.S., nhập viện, quy trình báo động đỏ được kích hoạt, đội ngũ y, bác sĩ cũng như trang thiết bị cần thiết ở các Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật gây mê hồi sức… để phục vụ phẫu thuật, cứu sống chi đứt rời cho bệnh nhân N.S,. đã được huy động nhanh chóng, theo diện ưu tiên số 1.

Diễn tập thường xuyên để thuần thục

Ngoài tình huống giả định về tai nạn giao thông, Bệnh viện Bà Rịa còn diễn tập các trường hợp có diễn biến bệnh nặng bất thường, khó lường như tai biến sản khoa. Bác sĩ Nguyễn Văn Trọng, Trưởng Khoa Phụ sản cho hay, sản khoa là chuyên ngành đặc biệt, liên quan đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi. Trong sản khoa có nhiều tai biến có thể xảy ra bất ngờ, đột ngột, không thể lường trước được như thuyên tắc ối, vỡ tử cung, suy thai, băng huyết sau sinh… Tuy tỷ lệ mắc các tai biến sản khoa này thấp, song nếu không được phát hiện, xử lý nhanh chóng sẽ để lại hậu quả nặng nề cho sản phụ và thai nhi, nghiêm trọng nhất là gây tử vong cho cả mẹ lẫn con như tai biến thuyên tắc ối.

Việc nhận biết các tai biến sản khoa và phản ứng nhanh để cứu sống cả mẹ lẫn con có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì thế, trung bình mỗi năm, mỗi một tai biến sản khoa, Khoa Phụ sản tổ chức diễn tập 1-2 lần về quy trình báo động đỏ nội viện.

“Qua những buổi diễn tập, giúp bác sĩ, nữ hộ sinh nhận biết nhanh chóng những dấu hiệu nguy hiểm của sản phụ để xử trí kịp thời, đạt được mục tiêu cuối cùng mang lại sự khỏe mạnh cho mẹ và bé”, bác sĩ Trọng cho biết.

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, cho biết, Bệnh viện thường diễn tập báo động đỏ nội viện trong các tình huống bệnh nhân bị đa chấn thương và tai biến sản khoa, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp. Đây là những ca bệnh cấp cứu trong tình trạng nặng, đòi hỏi được điều trị trong thời gian vàng. Làm như vậy, công tác cấp cứu, điều trị cho những bệnh nhân nặng được tiến hành nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Theo đánh giá của Bệnh viện Bà Rịa, quy trình “báo động đỏ” đã được đơn vị thực hiện nhuần nhuyễn, tạo cho nhân viên có thói quen làm việc nhóm, phối hơp giữa các khoa, phòng trong cấp cứu, điều trị người bệnh ngày càng chặt chẽ hơn. Hiện Bệnh viện Bà Rịa ban hành quy trình “báo động đỏ” nội viện trong 2 trường hợp nghi thuyên tắc ối (Khoa Phụ sản) và đa chấn thương (Khoa Cấp cứu).

Quy trình có các bước cơ bản: xác định bệnh nhân đủ tiêu chuẩn kích hoạt “báo động đỏ”. Sau khi kích hoạt “báo động đỏ” phát loa báo động, mời các bác sĩ trưởng tua trực của các khoa, phòng có liên quan. 5 phút sau, các bác sĩ phải có mặt để cùng tham gia đánh giá tình trạng bệnh nhân, đưa ra biện pháp điều trị theo từng chuyên khoa.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.