HƯỞNG ỨNG NGÀY THỊ GIÁC THẾ GIỚI (10/10)

Bảo vệ và chăm sóc đôi mắt khỏe mạnh

Thứ Tư, 09/10/2024, 17:42 [GMT+7]
In bài này
.

Sử dụng thiết bị điện tử trong nhiều giờ, học tập thiếu ánh sáng và ngồi sai tư thế là những nguyên nhân chính khiến trẻ em mắc tật khúc xạ. Tình trạng này đang gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến học tập, cuộc sống và có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng.

Nhân viên y tế Bệnh viện Mắt tỉnh khám sàng lọc tật khúc xạ cho học sinh ở huyện Xuyên Mộc.
Nhân viên y tế Bệnh viện Mắt tỉnh khám sàng lọc tật khúc xạ cho học sinh ở huyện Xuyên Mộc.

Gia tăng tật khúc xạ ở trẻ

Bé Mai Hoàng Đức (4 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu) từng được chẩn đoán viễn thị và phải đeo kính, nhưng do còn nhỏ, bé không duy trì đeo kính thường xuyên. Gần đây, mắt của bé bị lé và gia đình phải đưa đi khám lại tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Do bé viễn thị nặng nên dẫn đến tình trạng lé. Gia đình đã quyết định hạn chế thời gian bé xem thiết bị điện tử để cải thiện thị lực.

Tương tự, bé Lê Minh Khang (2,5 tuổi, ngụ TX.Phú Mỹ) bị loạn thị nặng sau khi xem ti vi và điện thoại nhiều giờ mỗi ngày. Một mắt của bé bị loạn thị 2 độ, mắt còn lại 4 độ. Gia đình bé thừa nhận đã không kiểm soát việc sử dụng thiết bị điện tử của bé, dẫn đến hậu quả này.

Có mặt tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt tỉnh) vào sáng 7/10, chỉ trong khoảng 1 giờ, chúng tôi ghi nhận có đến 15 trẻ đến khám các tật khúc xạ, phần lớn là trẻ từ 3-8 tuổi. Trong đó, 70% trẻ bị cận thị, với độ cận từ 2-4 độ. Khảo sát của Bệnh viện Mắt tỉnh cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ ngày càng tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Hiện nay, khoảng 25% trẻ em bị tật khúc xạ, tăng hơn 4% so với năm 2016.

Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết, có 3 loại tật khúc xạ: cận thị, viễn thị và loạn thị. Các tật khúc xạ thường xuất hiện ở HS trong độ tuổi từ 11-15, với cận thị chiếm hơn 80%. Tật khúc xạ có thể xuất hiện ở cả trẻ rất nhỏ hoặc người trưởng thành và thường có xu hướng tăng dần đến năm 18-20 tuổi.

Năm 2024, Bệnh viện Mắt tỉnh phối hợp với ngành giáo dục khám sàng lọc cho hơn 1.600 HS tại huyện Xuyên Mộc và huyện Long Điền. Bệnh viện cũng thực hiện dự án phòng, chống suy giảm thị lực và mù lòa cho trẻ em ở vùng nông thôn và vùng khó khăn. Dự kiến, sẽ có ít nhất 18.000 trẻ được khám mắt và cấp phát 1.500 cặp kính miễn phí.

Phòng ngừa và chăm sóc thị lực

Nguyên nhân gây tật khúc xạ thường xuất phát từ thói quen sinh hoạt không hợp lý, như ngồi học sai tư thế, điều kiện ánh sáng không đủ, bàn ghế không phù hợp, chơi điện tử quá nhiều... Ngoài ra, di truyền cũng là một yếu tố quan trọng.

Khi đã mắc tật khúc xạ, việc điều chỉnh là cần thiết để mắt trở lại trạng thái thoải mái, hạn chế sự tăng độ và ngăn ngừa biến chứng. Hiện có 3 cách để điều chỉnh tật khúc xạ: sử dụng kính đeo, kính tiếp xúc hoặc phẫu thuật bằng laser.

Để phòng ngừa và chăm sóc đôi mắt khỏe mạnh, việc bảo đảm ánh sáng đầy đủ khi học tập, ngồi đúng tư thế và điều chỉnh chiều cao bàn ghế phù hợp với lứa tuổi là điều rất quan trọng. Trẻ cần được nghỉ ngơi sau mỗi giờ học, không nên xem ti vi hay chơi điện tử quá 60 phút mỗi lần. Thời gian ngủ từ 8-10 giờ/ngày cũng là yếu tố quan trọng để bảo vệ mắt.

Khám mắt định kỳ 6 tháng/lần là điều cần thiết để phát hiện sớm và điều chỉnh các vấn đề về thị lực. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu như mờ mắt, dụi mắt thường xuyên, nheo mắt hoặc cúi sát vở khi đọc, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay để kịp thời xử lý.

Việc truyền thông và giáo dục về chăm sóc mắt học đường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho HS và phụ huynh, giúp giảm thiểu các nguy cơ về tật khúc xạ. Các chương trình này sẽ tiếp tục được triển khai nhằm đảm bảo sức khỏe thị lực cho trẻ em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn chưa tiếp cận được dịch vụ chăm sóc mắt đầy đủ.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.