Dân vận khéo để phát triển kinh tế

Thứ Năm, 24/10/2024, 17:27 [GMT+7]
In bài này
.

Với mục tiêu là đời sống của người dân phải được nâng lên, các địa phương của huyện Châu Đức đã và đang triển khai nhiều mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Ông Nguyễn Tiến Lương (bên phải), Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận ấp Xuân Trường (xã Sơn Bình,  huyện Châu Đức) giới thiệu về mô hình dân vận khéo vận động người dân trồng thanh long phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Tiến Lương (bên phải), Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận ấp Xuân Trường (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) giới thiệu về mô hình dân vận khéo vận động người dân trồng thanh long phát triển kinh tế.

Tập hợp những người cùng chí hướng vươn lên

Thời điểm này, những vườn thanh long của các hộ dân ấp Xuân Trường (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) đang trĩu quả. Khoảng nửa tháng tới, bà con sẽ thu hoạch lứa mới, hứa hẹn nhiều lợi nhuận. Đó là 1 trong số 10-12 lứa thanh long hàng năm của người dân nơi đây. Nhờ có trái cây bán quanh năm, cuộc sống người dân khấm khá lên.

Trước đây, vùng đất này chỉ trồng hoa màu và cây tiêu, thu nhập của các hộ dân hầu hết bấp bênh. Từ thực trạng này, ông Nguyễn Tiến Lương, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Dân vận ấp Xuân Trường tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau một thời gian thí điểm mang lại hiệu quả cao, ông tuyên truyền, vận động bà con trong ấp thay cây hoa màu bằng vườn thanh long và là khởi điểm cho mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực kinh tế ở địa phương.

Tin tưởng vào cán bộ, nhiều bà con làm theo và thành công. Nhận thấy có thể phát triển, mở rộng thị trường, năm 2021, ông Lương xúc tiến thành lập HTX Sản xuất-Dịch vụ Xuân Trường với 8 thành viên, có 7ha trồng thanh long.

Đến nay, HTX mở rộng lên 20 thành viên với 15ha trồng thanh long ruột đỏ. Sản phẩm thanh long của HTX được khách hàng ưa chuộng, nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh săn mua.

“Mô hình quy tụ đất bà con thành một vùng trồng thanh long rộng lớn. Vì liên canh liên cư nên chúng tôi cùng nhau chia sẻ cách trồng, chăm sóc thanh long sao cho hiệu quả nhất. Hiện sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng để xuất khẩu. Thanh long có đầu ra ổn định, người dân rất yên tâm”, ông Lương vui mừng nói.

Rời xã Sơn Bình, chúng tôi đến xã Cù Bị tham quan mô hình dân vận khéo nuôi lươn sạch. Dẫn chúng tôi xem bể nuôi lươn, ông Lê Sĩ Kinh Kha (tổ 8, thôn Phước Chí) phấn khởi nói: “Việc nuôi lươn khá nhẹ nhàng, dễ làm. Hàng ngày, chỉ cần thay nước, cho lươn ăn. Nhờ nuôi lươn mà kinh tế gia đình tôi cải thiện, có tiền lo cho con ăn học đầy đủ”.

Ông Kha cho biết, năm 2023, sau khi được Hội Nông dân xã hỗ trợ tham gia lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, được tham quan thực tế cách nuôi lươn sạch ở huyện Xuyên Mộc, ông xây bể nuôi lươn. Ban đầu nuôi 5.000 con cho thu nhập ổn định. Đầu năm 2024, Hội Nông dân tín chấp cho vay vốn ưu đãi 70 triệu đồng, ông mở rộng đàn lên 13 ngàn con.

Ông Lê Thành Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cù Bị cho biết, năm 2023, hội triển khai mô hình dân vận khéo nuôi lươn sạch. Thực hiện mô hình, hội tổ chức các lớp tập huấn nuôi lươn sạch cho hội viên. Đồng thời, tổ chức các đợt tham quan thực tế. Đến nay, mô hình phát triển hiệu quả, thu hút 7 hộ tham gia, thu lãi từ 60 đến hơn 100 triệu đồng/năm/hộ.

Mô hình còn góp phần bảo đảm môi trường khu dân cư để thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Bởi nuôi lươn sạch chỉ cần cung cấp nước và thức ăn sạch. 

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Châu Đức và Hội Nông dân xã Cù Bị khảo sát hiệu quả mô hình dân vận khéo nuôi lươn sạch tại địa phương.
Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Châu Đức và Hội Nông dân xã Cù Bị khảo sát hiệu quả mô hình dân vận khéo nuôi lươn sạch tại địa phương.

Lan tỏa nhiều mô hình hay

Các địa phương khác của huyện Châu Đức cũng triển khai nhiều mô hình dân vận khéo phát triển kinh tế hiệu quả.

Tại xã Suối Nghệ, 5 năm qua, UBMTTQ Việt Nam xã đã triển khai hiệu quả mô hình “Nhân đôi con giống”. Triển khai mô hình, UBMTTQ Việt Nam xã đã vận động và trao dê giống giúp người dân có sinh kế phát triển kinh tế. Đến nay có 13 hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ dê giống, mỗi năm thu nhập từ 40-60 triệu đồng/hộ. Tại xã Suối Rao, Tổ Dân vận thôn 1 triển khai hiệu quả mô hình dân vận khéo vận động nguồn lực hỗ trợ các hộ khó khăn phát triển kinh tế...

Ông Trần Như Chương, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 42 mô hình và 4 điển hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế được triển khai hiệu quả. “Căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, để động viên, hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”, ông Chương nói.

Bài, ảnh: CẨM NHUNG

 
;
.