Cách chữa trị răng hô hiệu quả
Hỏi: Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân vì sao răng bị hô và cách chữa trị nào mang lại hiệu quả nhất?
(Email: hangro@gmail.com)
Hô răng không gây hại cho sức khoẻ nhưng làm giảm thẩm mỹ. |
Trả lời:
Răng hô (hay còn gọi là răng vẩu, răng vổ) là tình trạng phổ biến ở nhiều người. Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhưng răng hô gây mất thẩm mỹ, giảm khả năng nhai, và làm người bệnh mất tự tin khi cười nói, giao tiếp.
Răng hô là hiện tượng sai lệch khớp cắn, dẫn đến sự không cân đối giữa hàm trên và hàm dưới, biểu hiện rõ ràng nhất là hàm trên nhô ra nhiều hơn hàm dưới. Tình trạng này được chia thành hai mức độ:
Hô nhẹ: Khó nhận biết, thường chỉ nhìn thấy khi cười hoặc nói chuyện. Môi vẫn có thể ngậm lại bình thường.
Hô nặng: Dễ dàng nhận ra bằng mắt thường, môi trên khó khép kín với môi dưới ngay cả khi không nói chuyện.
Ngoài hô hàm trên, một số trường hợp còn bị hô hàm dưới, nhưng tỉ lệ gặp ít hơn. Khi ngậm miệng, có thể thấy hàm lệch sang phải hoặc trái. Thêm vào đó, còn có tình trạng hô hở lợi do răng mọc chìa ra ngoài, khiến nướu răng lộ ra vì thân răng quá ngắn. Một số người có tình trạng răng hô kèm cằm lẹm, do cấu trúc xương hàm ngắn, khiến cằm bị thụt vào trong.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến răng hô, trong đó di truyền chiếm khoảng 70%. Ngoài ra, răng hô có thể do trẻ rụng răng sữa quá sớm, làm răng vĩnh viễn khi mọc bị sai lệch do khớp hàm chưa ổn định. Các thói quen như mút ngón tay, ngậm núm vú giả, bú bình kéo dài cũng có thể gây hô. Bên cạnh đó, sự không tương thích giữa tỷ lệ răng và xương hàm cũng có thể khiến một số răng quá lớn không có đủ chỗ mọc, dẫn đến mọc lệch hoặc nhô ra ngoài.
Ngoài việc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, răng hô còn làm giảm khả năng nhai, vì hai hàm không khớp nhau. Việc vệ sinh răng miệng cũng trở nên khó khăn hơn, dễ dẫn đến các bệnh lý về răng miệng như hôi miệng, viêm nướu, và bệnh nha chu. Hơn nữa, răng hô còn có thể gây trở ngại khi phát âm.
Hiện nay, với sự phát triển của các kỹ thuật tiên tiến, răng hô không còn là vấn đề đáng lo ngại. Sau khi thăm khám và đánh giá nguyên nhân, mức độ hô, bệnh nhân sẽ được áp dụng một trong bốn phương pháp niềng răng để đưa răng về đúng vị trí: Niềng răng hô bằng mắc cài kim loại truyền thống; Niềng răng hô bằng mắc cài kim loại tự đóng; Niềng răng hô bằng mắc cài sứ; Niềng răng hô bằng khay niềng trong suốt.
Dù lựa chọn phương pháp nào, quá trình niềng răng đòi hỏi sự kiên nhẫn, thường kéo dài từ 1 đến 2 năm. Nếu phương pháp niềng răng không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt chỉnh xương hàm kết hợp với niềng răng. Đây là phương pháp xâm lấn và tiềm ẩn rủi ro, do đó cần thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm cao.
Để phòng ngừa răng hô ngay từ khi còn nhỏ, cần tránh cho trẻ hình thành các thói quen xấu như mút ngón tay, ngậm núm vú giả, và bú bình kéo dài. Khi trẻ bú bình xong, cần lấy bình ra khỏi miệng để tránh việc trẻ ngậm lâu, vừa gây nguy cơ hô răng, vừa có thể gây đầy hơi do trẻ chỉ hút không khí. Hạn chế cho trẻ chơi những đồ chơi bằng cao su quá dai, đòi hỏi phải cắn nhai. Trong trường hợp răng hô do di truyền, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt về thời điểm thích hợp để chỉnh răng.
Nha sĩ MINH KHANH