Ốm nghén là gì và tại sao lại ốm nghén?
Ốm nghén là thuật ngữ chỉ tình trạng buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường... xảy ra ở đa số phụ nữ mang thai, không phân biệt con đầu lòng hay con thứ. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp phụ nữ mang thai không gặp phải ốm nghén.
Ốm nghén là triệu chứng thường gặp khi mang thai. |
Triệu chứng ốm nghén
Ốm nghén thường xuất hiện từ cuối tháng đầu tiên trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu của thai kỳ). Phụ nữ mang thai có thể bị nôn khan, nôn ra nước, hoặc thức ăn, gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu và thay đổi tính tình như cáu gắt, nhạy cảm với ánh sáng mạnh, tiếng ồn.
Dựa trên mức độ triệu chứng, ốm nghén được chia thành hai dạng: ốm nghén thông thường và ốm nghén nặng.
Ốm nghén thông thường: Khoảng 80% thai phụ gặp phải dạng này. Biểu hiện chính là nôn khan hoặc nôn ra một ít nước, thức ăn, nhưng triệu chứng không kéo dài liên tục, và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hay thể trạng của thai phụ. Sau khoảng 12 tuần, các triệu chứng thường giảm dần.
Ốm nghén nặng: Khoảng 10-20% thai phụ trải qua tình trạng ốm nghén nặng, với việc nôn ói liên tục, dẫn đến sụt cân, mất nước, suy nhược, và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Trong trường hợp nặng, ốm nghén có thể gây ngộ độc thai nghén, đặc biệt ở những phụ nữ mang thai đôi, mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp hoặc béo phì.
Nguyên nhân và cách điều trị
Cho đến nay, y học chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ốm nghén. Một số nghiên cứu cho rằng ốm nghén xuất phát từ sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là hormone progesterone, làm giãn cơ hệ tiêu hóa, gây cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, yếu tố di truyền, thai đôi, hay tình trạng nhạy cảm với một số mùi cũng có thể là nguyên nhân.
Ốm nghén thông thường không gây hại cho thai nhi và thậm chí có thể là dấu hiệu của một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu thai phụ bị ốm nghén nặng với các triệu chứng như sụt cân nhanh, nôn ói liên tục, sốt cao, mệt mỏi, thì cần đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Nếu chỉ bị ốm nghén thông thường, thai phụ có thể kiểm soát bằng cách chia nhỏ bữa ăn, tránh mùi gây buồn nôn, uống đủ nước, và hạn chế căng thẳng. Trường hợp nặng, có thể cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai mà không có sự tư vấn của bác sĩ, vì một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Ngoài ra cũng có thể uống trà gừng, trà lá bạc hà, trà vỏ quýt... nhưng nếu uống vài lần mà không hiiệu quả thì không nên tiếp tục.
Bs XUÂN HÒA