Bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo
Tại dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất, Bộ GD-ĐT - cơ quan chủ trì soạn thảo đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo.
Nhiều đãi ngộ cho nhà giáo được đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo. |
Đề xuất miễn học phí là không phù hợp
Trước đó, tại dự thảo luật trình Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, trong đó có đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Đề xuất sau đó đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội. Đa phần ý kiến cho rằng đề xuất như vậy chưa hợp lý, có thể tạo sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục.
Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất đề xuất quy định các chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; Chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ, hoặc phổ cập giáo dục, biệt phái, dạy tăng cường, dạy liên trường, phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản, phum, sóc; Các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo.
Ngoài các chính sách chung này, nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy giáo dục hòa nhập; dạy tiếng dân tộc thiểu số; dạy tăng cường tiếng Việt cho HS người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật còn được hưởng một số hỗ trợ sau: Bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nhà giáo còn được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ phép hằng năm, nghỉ ngày lễ, Tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định. Chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng.
Ngoài ra, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với viên chức và các chính sách hỗ trợ khác nếu có. Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất cũng khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ để nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính hợp pháp của địa phương, cơ sở giáo dục. Như vậy, trong dự thảo mới nhất, Bộ GD-ĐT đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo.
Cần tương thích với Luật Viên chức
Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo có một số quy định chưa tương thích với Luật Viên chức. Do đó, Luật Nhà giáo cần bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm công bằng giữa các ngành nghề trong hệ thống công chức, viên chức; bảo đảm bảo vệ pháp lý và quyền lợi cho giáo viên.
Cụ thể, hiện nay, giáo viên ở Việt Nam được xem là viên chức nhà nước, chịu sự quản lý của Luật Viên chức. Trong khi đó, dự thảo Luật Nhà giáo được đề xuất nhằm tạo khung pháp lý riêng biệt cho giáo viên, từ việc tuyển dụng, đãi ngộ, cho đến trách nhiệm và quyền lợi. Tuy nhiên, nếu dự thảo Luật Nhà giáo không tương thích với Luật Viên chức, có thể dẫn đến sự xung đột về mặt pháp lý, gây khó khăn trong việc áp dụng các chính sách quản lý và đãi ngộ.
Một trong những vấn đề quan trọng mà luật sư lo ngại là việc tách biệt giữa Luật Nhà giáo và Luật Viên chức có thể dẫn đến bất bình đẳng về quyền lợi giữa các ngành nghề trong hệ thống hành chính sự nghiệp nhà nước...
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, dự kiến ngày 9/11, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà giáo. Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về dự luật này. Việc thảo luận tại hội trường theo chương trình, dự kiến tiến hành vào đợt 2 của kỳ họp (sáng 20/11). |
Bà Nguyễn Thị Vân, GV Trường THCS Phước Nguyên (TP.Bà Rịa) cho rằng, giáo viên hiện nay là viên chức và được bảo vệ bởi Luật Viên chức về các quyền lợi như: chế độ nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác. Nếu Luật Nhà giáo được ban hành mà không có sự tương thích với Luật Viên chức, có thể dẫn đến việc giáo viên bị mất đi những quyền lợi đã được quy định từ trước trong hệ thống pháp luật hiện hành.
“Dự thảo Luật Nhà giáo có thể đóng vai trò điều chỉnh cụ thể các vấn đề liên quan đến giáo viên, từ tiêu chuẩn nghề nghiệp đến các yêu cầu về đạo đức, năng lực. Tuy nhiên, nếu không có sự tương thích với Luật Viên chức, sẽ có nguy cơ khiến Luật Nhà giáo trở nên khó áp dụng trong thực tiễn. Đồng thời, Luật Viên chức sẽ không phát huy được đầy đủ vai trò bảo vệ quyền lợi cho viên chức nói chung, trong đó có giáo viên”, Luật sư Quang nhấn mạnh.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI - TRÚC GIANG