Áp lực con nhà người ta
Việc so sánh con mình với “con nhà người ta” để giáo dục có lẽ là thói quen của nhiều cha mẹ. Tuy nhiên, cách so sánh này không khiến con bạn tiến bộ mà còn gây tác dụng ngược, tạo tâm lý khó chịu và áp lực, vô tình ngăn chặn sự thành công trong tương lai của con.
Việc bị so sánh với “con nhà người ta” cũng có thể có tác động xấu đến đứa trẻ. |
Sự so sánh độc hại
Từ rất lâu, “con nhà người ta” đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đứa trẻ. Đây là hình tượng mà nhiều bậc phụ huynh thường dùng để nói về một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, thậm chí là hoàn hảo về mọi mặt… nhằm mục đích răn đe, đốc thúc con mình cố gắng. Tuy nhiên, việc la mắng, chỉ trích, thậm chí so sánh con trẻ với một “tấm gương” nào đó để thúc đẩy ý chí của các em liệu có phải là phương pháp giáo dục hiệu quả hay không?
Con gái chị Bích Thảo (phường 10, TP.Vũng Tàu) vừa bước sang tuổi 12. Bé rất hiếu động và có phần ngang bướng. Chị Thảo kể, ngày nào đón con đi học, chị cũng phải nghe cô giáo chủ nhiệm phàn nàn về việc con ở trong lớp hay “mơ mộng”, không tập trung nghe giảng. Trong khi đó, cô bạn hàng xóm Trâm Anh lại học giỏi và ngoan ngoãn. Tâm lý so sánh con mình với “con nhà người ta” bắt đầu nảy sinh. Trong những lần tức giận, chị Thảo thường mắng con, đại ý rằng: sao con khó bảo thế, không bằng bạn Trâm Anh...
“Ban đầu, khi nghe mẹ nhắc đến bạn mỗi khi bị mắng, con gái chỉ lầm lì cúi đầu. Khi tần suất mà cô bạn hàng xóm xuất hiện trong câu chuyện hay lời mắng của mẹ trở nên dày đặc hơn, bé đã có những cảm xúc tiêu cực, trở nên cứng đầu, ương bướng và khó bảo hơn trước”, chị Thảo chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Quân (phường 3, TP.Vũng Tàu) cũng không ít lần so sánh con mình với con nhà người khác. Mỗi khi đến nhà bạn hay người quen chơi, anh hay bắt gặp hình ảnh cô bé, cậu bé bằng tuổi con mình đang rửa chén, quét nhà hay tự giác ngồi bàn học mà không cần ba mẹ đốc thúc. Về nhà, anh kể lại với con trai và phàn nàn: “Con xem các bạn giỏi chưa, từng ấy tuổi đã biết tự lập nhiều thứ. Chẳng bù cho con, việc gì cũng phải đợi ba mẹ nhắc, lớn thế mà vẫn còn tị nạnh với các em”.
Tuy không thể hiện ra bên ngoài bằng những hành vi tiêu cực, song sau lần bị đem ra so sánh, nhắc nhở, cậu con trai bỗng trở nên buồn bã, ít nói hơn. Có một lần, con nói với anh Quân rằng: “Ba mẹ đừng so sánh con nữa được không? Con buồn lắm… Con đâu đòi hỏi ba mẹ phải như ba mẹ các bạn khác”.
Nếu so sánh, hãy là so sánh tích cực
Tiến sĩ Yang Chien-Hui, giảng viên cao cấp của chương trình Giáo dục mầm non tại Học viện Quản lý Singapore cho biết, so sánh là một việc làm phổ biến trong văn hóa châu Á, nơi các bậc cha mẹ sử dụng so sánh như một cách để khen ngợi những đứa trẻ khác, qua đó khuyến khích con học tập, làm việc chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Yang, việc bị so sánh với các bạn cùng trang lứa cũng có thể có tác động xấu đến đứa trẻ.
Cụ thể, việc so sánh con mình với “con nhà người ta” là tạo ra những căng thẳng và áp lực trong học tập của trẻ bởi khi đó, con có thể nghĩ rằng người khác giỏi hơn chúng và chúng không có khả năng đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ. Cảm giác này rất độc hại đối với sự phát triển cá nhân cũng như vấn đề học tập của đứa trẻ. Nguy hiểm hơn, khi vấn đề không được giải quyết, những khó khăn sẽ dần tích tụ. Đến một giai đoạn và độ tuổi nào đó, việc này có thể tạo ra những cuộc “nổi loạn” cũng như là sự xô lệch, tạo nên căng thẳng giữa cha mẹ và con cái.
Vì thế, khi nhìn thấy thành công của “con nhà người ta”, phụ huynh hãy quay ngược lại để giao tiếp với con mình xem con cảm thấy như thế nào về thành tựu đó, hay con có những đam mê gì. Những thành tựu của các bạn đồng trang lứa cũng sẽ tạo ra hứng thú, giúp các con nhận diện được bản thân mình”.
Cùng với đó, thay vì dùng mẫu câu “Con hãy nhìn bạn đi, con phải giống như bạn”, các bậc cha mẹ hãy nhẹ nhàng hỏi “Con cảm thấy điều đó như thế nào?”, “Điều này có gì hấp dẫn con không?”, “Làm thế nào để con thực hiện được điều đó?”... Sau đó, hãy chuyển biến nó thành hành trình của riêng con.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng, bạn không thể trở thành một người cha, người mẹ hoàn hảo và con bạn không thể trở thành một đứa trẻ hoàn hảo bao gồm sự xuất sắc trong tất cả các lĩnh vực học tập, thể thao hoặc giao tiếp xã hội. Mọi người đều phải đối mặt với những thách thức khác nhau. Cho nên hãy tự hào về con của bạn vì những gì chúng đang có. Hãy trao cho chúng tình yêu thương của bạn và cố gắng xây dựng sự tự tin cho con mình.
HOÀNG TUẤN