.

Dị ứng - ai cũng có thể bị

Cập nhật: 14:25, 09/08/2024 (GMT+7)

Dị ứng là hiện tượng phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trong cơ thể khi tiếp xúc với một số chất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Nó biểu hiện bằng các dấu hiệu như nhức đầu, mệt mỏi, ho, hắt hơi, khó thở, đau mắt, nổi mề đay, ngứa, viêm da, viêm mũi hoặc rối loạn tiêu hoá...

Dị ứng thường thể hiện bằng việc da nổi nhiều mảng đỏ và rất ngứa.
Dị ứng thường thể hiện bằng việc da nổi nhiều mảng đỏ và rất ngứa.

Dị ứng có thể biến đổi từ nhẹ sang nặng, một số trường hợp gây ra tình trạng sốc phản vệ, cần được cấp cứu ngay lập tức.

Các nguyên nhân gây dị ứng

Đứng đầu là thực phẩm. Tuỳ theo cơ địa của từng người, dị ứng có thể gây ra bởi bơ đậu phộng, cá ngừ, cá chuồn, tôm, cua,  trứng, sữa… Vài phút sau khi ăn phải một trong những thứ này, người bệnh sẽ có cảm giác ngứa, càng lúc càng tăng kèm theo từng mảng mẩn đỏ nổi trên da tay, bụng, lưng, đùi, môi sưng, nhức đầu, mờ mắt.

Tiếp theo, người bệnh buồn nôn, dạ dày, ruột có những cơn quặn thắt, tiêu chảy không tự chủ… Nếu không bị sốc phản vệ và nếu nôn được hết, dị ứng sẽ giảm dần nhưng mẩn đỏ trên da, ngứa có thể còn kéo dài vài ngày.

Dị ứng mùi

Phát xuất từ việc hít phải phấn hoa, mùi sơn, mùi khói xăng, dầu hoặc do thời tiết mưa, lạnh, sương mù, độ ẩm không khí cao hoặc do môi trường xung quanh có nhiều bụi mịn.

Nó biểu hiện bằng việc hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nước mắt, có thể kèm theo chóng mặt, nhìn mờ.

Theo thống kê của WHO, khoảng 4 đến 6% trẻ em dưới 10 tuổi và 4% người lớn bị dị ứng thực phẩm, 9% trẻ em và 12% người lớn dị ứng với mùi hoặc thời tiết. Bên cạnh đó, một số người còn dị ứng với các loại mỹ phẩm hoặc dị ứng với thuốc chữa bệnh, dị ứng với lông chó, mèo, dị ứng khi bị côn trùng đốt (ong, bọ cạp, sâu róm, kiến…), dị ứng do mắc bệnh hen suyễn từ trước.

Một trong những nguy hiểm nhất của dị ứng là sốc phản vệ

Nó xảy ra rất nhanh, chỉ một vài giây sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Khi ấy, hệ thống miễn dịch trong cơ thể sẽ phóng thích một lượng lớn chất Histamin, Serotonin, Bradykinin khiến nạn nhân rơi vào tình trạng sốc, huyết áp giảm đột ngột, đường hô hấp bị thu hẹp gây khó thở, mạch đập yếu và nhanh, da nổi ban đỏ hoặc tím tái, buồn nôn và nôn, tiêu chảy không kiểm soát, chóng mặt, ngất xỉu…

Khi bị sốc phản vệ do dị ứng, người bệnh cần được chuyển đến các cơ sở y tế ngay lập tức bằng cách đặt người bệnh nằm ngửa, đầu nghiêng sang một bên nhằm giữ cho đường thở thông suốt. Hạn chế cho người bệnh uống nước để tránh bị sặc hoặc uống, tiêm chích bất cứ một loại thuốc gì nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Điều trị dị ứng

Dị ứng có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Tuy nhiên, với những người mà trong gia đình có tiền sử dị ứng, người có hệ miễn dịch không ổn định như trẻ em, phụ nữ mang thai, người đang mắc bệnh hen suyễn, người cao tuổi, sức đề kháng kém thì nguy cơ bị dị ứng sẽ cao hơn so với người bình thường. Vì vậy, tuỳ theo từng cơ địa, từng nguyên nhân gây dị ứng, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc thích hợp.

Trong hầu hết các trường hợp, dị ứng thường không gây nguy hiểm đến tính mạng ngoại trừ người bị dị ứng có kèm theo sốc phản vệ nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan.

Nếu đã bị dị ứng, người bệnh - nhất là người già và trẻ em - cần được đưa đến những cơ sở y tế để theo dõi và làm các xét nghiệm nhằm đánh giá nguyên nhân gây ra dị ứng.

Các xét nghiệm này gồm xét nghiệm da, là phương pháp phổ biến nhất. Ngoài ra còn có xét nghiệm miễn dịch, tìm kháng nguyên, xét nghiệm máu Immunoglobulin E (IgE), đo nồng độ các chất gây dị ứng, đếm tế bào máu toàn phần (CBC), trong đó đếm các tế bào bạch cầu ái toan.

Khi đã biết được nguyên nhân, ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể tự mình chủ động phòng tránh, chẳng hạn như dị ứng với những loại thực phẩm nào đó thì không ăn nữa, dị ứng với lông chó mèo thì không tiếp xúc gần với chúng, luôn làm sạch nhà cửa, phòng ốc, giường chiếu, đeo khẩu trang khi ra đường nếu dị ứng với bụi mịn, phấn hoa, mùi khói thuốc lá, khói xăng, dầu, …

Dược sĩ NGUYỄN VĂN ĐẠT

 

.
.
.