Cơ chế lây lan đậu mùa khỉ và cách phòng tránh

Thứ Sáu, 16/08/2024, 16:08 [GMT+7]
In bài này
.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 14/8/2024 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi.

Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.
Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi rút gây ra, tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người. 

Đậu mùa khỉ lây từ người sang người

WHO cho biết, bệnh đậu mùa khỉ lây lan từ người sang người qua tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm vi rút đậu khỉ.

Tiếp xúc gần bao gồm việc gặp mặt trực tiếp, chẳng hạn như nói chuyện hoặc thở gần nhau, điều này có thể tạo ra các giọt nhỏ hoặc khí dung tầm ngắn; da kề da (chẳng hạn như chạm vào hoặc quan hệ tình dục); truyền miệng (chẳng hạn như hôn)…

Những người mắc bệnh đậu mùa khỉ được coi là có khả năng lây nhiễm cho đến khi tất cả các tổn thương đóng vảy, vảy bong ra và hình thành một lớp da mới bên dưới, đồng thời tất cả các tổn thương trên mắt và trên cơ thể (ở miệng, cổ họng, mắt, âm đạo và hậu môn) cũng đã lành, thường mất từ 2 đến 4 tuần.

Vi rút đậu mùa khỉ cũng có thể tồn tại một thời gian trên quần áo, khăn trải giường, khăn tắm, đồ vật, đồ điện tử và các bề mặt mà người mắc bệnh đã chạm vào. Người khác chạm vào những vật dụng này có thể bị nhiễm trùng, đặc biệt nếu họ có bất kỳ vết cắt, vết trầy xước nào hoặc chạm vào mắt, mũi, miệng hoặc các màng nhầy khác mà không rửa tay trước. Làm sạch và khử trùng các bề mặt/đồ vật và rửa tay sau khi chạm vào các bề mặt/đồ vật có thể bị ô nhiễm có thể giúp ngăn ngừa kiểu lây truyền này.

Cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống), không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Người nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế cho đến khi điều trị khỏi.
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Vi rút cũng có thể lây lan sang thai nhi trong quá trình mang thai, trong hoặc sau khi sinh thông qua tiếp xúc da kề da hoặc từ cha mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ sang trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi tiếp xúc gần gũi.

Mặc dù việc lây nhiễm từ người biểu hiện triệu chứng đã được báo cáo, nhưng vẫn còn hạn chế thông tin về việc liệu vi rút có thể lây nhiễm từ những người bị nhiễm trước khi họ có triệu chứng hay sau khi vết thương của họ đã lành. Mặc dù vi rút đậu mùa khỉ sống đã được phân lập từ tinh dịch nhưng chúng ta vẫn chưa biết liệu nhiễm trùng có thể lây lan qua tinh dịch, dịch âm đạo, nước ối, sữa mẹ hay máu hay không.

Từ động vật đến con người

Đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi họ tiếp xúc vật lý với động vật bị nhiễm bệnh như một số loài khỉ, loài gặm nhấm trên cạn (chẳng hạn như sóc cây). Tiếp xúc cơ thể có thể là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc trong các hoạt động như săn bắn, lột da, đánh bẫy hoặc nấu ăn. Vi rút cũng có thể bị lây nhiễm khi ăn động vật bị nhiễm bệnh nếu thịt không được nấu chín kỹ.

Có thể giảm nguy cơ lây nhiễm đậu mùa khỉ từ động vật bằng cách tránh tiếp xúc không được bảo vệ với động vật hoang dã, đặc biệt là những con bị bệnh hoặc chết (bao gồm cả thịt và máu của chúng). Ở những quốc gia nơi động vật mang vi rút, bất kỳ thực phẩm nào có chứa các bộ phận hoặc thịt động vật đều phải được nấu chín kỹ trước khi ăn.

Từ con người đến động vật

Đã có một số báo cáo về việc vi rút đậu mùa khỉ được xác định ở thú cưng. Tuy nhiên, vẫn chưa xác nhận liệu đây có phải là những ca lây nhiễm thực sự hay việc phát hiện vi rút có liên quan đến ô nhiễm bề mặt hay không.

Vì nhiều loài động vật được biết là nhạy cảm với vi rút đậu mùa khỉ nên có khả năng virus lây lan từ người sang động vật ở nhiều môi trường khác nhau. Những người đã xác nhận hoặc nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ nên tránh tiếp xúc gần gũi với động vật, bao gồm cả vật nuôi (như mèo, chó, chuột đồng, chuột nhảy), gia súc và động vật hoang dã.

Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

Đã có vắc xin phòng tránh đậu mùa khỉ chưa?
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa phát triển vắc xin riêng cho bệnh đậu mùa khỉ nhưng vẫn có 2 loại vắc xin được FDA chấp thuận để tiêm ngừa đậu mùa khỉ. Đó chính là vắc xin Jynneos (Imvamune/Imvanex) và ACAM2000.
Vắc xin Jynneos (Imvamune) - Được sản xuất từ virus vaccinia, cùng họ Orthopox virus với Monkeypox. Khi tiêm vắc xin Jynneos thì có nghĩa là bạn sẽ đưa những virus đã bị làm yếu, không có khả năng gây bệnh vào cơ thể. Lúc này, cơ thể sẽ “nhận diện” vi rút, hệ miễn dịch tấn công vi rút và ghi nhớ chúng, có cách phòng tránh nếu sau này virus xâm nhập.
Do vi rút cùng họ với virus đậu mùa khỉ nên theo các chuyên gia thì đây cũng là một cách phòng tránh đậu mùa khỉ. Vắc xin Jynneos đã được FDA cấp phép vào năm 2021 và theo nghiên cứu thì cần chích 2 mũi.
Vắc xin ACAM - Đây là loại vắc xin sử dụng vi rút đã bị làm yếu. ACAM có mặt trước cả vắc xin Jynneos (được chấp thuận năm 2015). Tuy nhiên, do cách chích khó khăn nên CDC khuyến cáo sử dụng vắc xin Jynneos nhiều hơn.
Nhìn chung cả 2 loại vắc xin này đều sử dụng vi rút không còn khả năng tấn công cơ thể và gây bệnh. Nhưng mọi người cần lưu ý tư vấn bác sĩ trước khi tiêm, đặc biệt là với những người bệnh có hệ miễn dịch yếu, có bệnh nền.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.

Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Bệnh đậu mùa có gây bệnh nặng hoặc tử vong không?

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

XUÂN THỦY

;
.