.

Nhiều nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Cập nhật: 16:52, 02/07/2024 (GMT+7)

Giai đoạn này đang là mùa mưa nên có nhiều nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết (SXH). Vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống loại dịch bệnh này.

Các lực lượng của phường 8 (TP.Vũng Tàu) vận động người dân, dọn dẹp môi trường để phòng, chống SXH.
Các lực lượng của phường 8 (TP.Vũng Tàu) vận động người dân dọn dẹp môi trường để phòng, chống SXH.

Nhiều biện pháp

Gia đình bà Ngô Thị Nhị (ở tổ 9, KP.Hải Phúc, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) thường trữ nước mưa vào các thùng và lu để tưới cây. Bà chưa nhận thức được việc trữ nước mưa nhiều ngày sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển. Khi được nhân viên y tế của Trạm Y tế TT.Phước Hải giải thích, cung cấp thông tin và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống SXH, bà Nhị đã tự giác đổ hết số nước đang trữ, úp các dụng cụ lại. “Tôi nghe nhiều về bệnh SXH, nhưng đôi khi tôi không để ý nên vẫn tích trữ nước, nghĩ trữ nước vài ngày cũng không sao”, bà Nhị giãi bày.

Ông Phạm Quốc Tú, Trưởng Trạm Y tế TT.Phước Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 2 ca mắc SXH ở mức độ nhẹ. Địa phương có 97 tổ dân cư thuộc 10 khu phố. Mật độ dân số ở đây khá cao, có nhiều bãi đất trống, người dân bỏ các vật dụng linh tinh nên khó khăn cho công tác phòng, chống SXH. Thực hiện phương châm “không có lăng quăng-không có SXH”, TT.Phước Hải đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống SXH trên loa truyền thanh hàng ngày. Các tổ dân cư, khu phố thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, quanh khu vực mình sống… Ông Tú nói thêm: “TT.Phước Hải còn tổ chức ký cam kết về phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường sạch sẽ đối với các gia đình”.

Dù ca mắc SXH từ đầu năm đến nay trên địa bàn phường 8 (TP.Vũng Tàu) giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng địa phương không chủ quan, lơ là. Ngay từ đầu năm, phường 8 đã huy động lực lượng của cả hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng, chống SXH nhằm hạn chế mức thấp nhất số ca mắc.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tươi, Phó Chủ tịch UBND phường 8 (TP.Vũng Tàu) thông tin, 6 tháng đầu năm, phường ghi nhận 7 ca mắc SXH. Lo ngại, đang mùa mưa, số ca mắc có thể tăng lên. Vì vậy, phường 8 yêu cầu các khu phố huy động mọi nguồn lực tham gia kiểm soát và xử lý hiệu quả các điểm nguy cơ phát sinh muỗi và lăng quăng tại địa bàn. Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội từ phường đến khu phố thực hiênh lồng ghép tuyên truyền phòng, chống SXH vào sinh hoạt, truyền thông định kỳ.  “Trạm Y tế phường 8 tích cực phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường truyền thông, truyền thông nguy cơ để người dân hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp phòng, chống bệnh SXH”, bà Tươi cho hay.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 6/2024, toàn tỉnh ghi nhận hơn 330 ca mắc SXH, giảm 177 ca so với cung kỳ năm 2023. Tuy số ca bệnh mắc giảm nhưng có thể xảy ra bùng phát dịch trên diện rộng, nhất là vào mùa mưa. Cách phòng, chống SXH tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy; phòng, chống muỗi đốt và giữ gìn vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.

Thích ứng với các tình huống dịch

Đại diện TTYT TX.Phú Mỹ cho rằng, tình hình biến động dân cư ở địa phương diễn ra mạnh mẽ, có nhiều khu nhà trọ, công trường xây dựng…Một bộ phận người dân chưa có ý thức, tự giác và trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh. Đây là những khó khăn chính khiến việc triển khai phòng, chống SXH gặp một số hạn chế. Để chủ động ứng phó với các tình huống dịch SXH có thể xảy ra, ngăn chặn dịch lây lan và bùng phát trên diện rộng, TTYT TX.Phú Mỹ có kế hoạch thích ứng theo các tình huống dịch.

Theo đó, TTYT TX.Phú Mỹ đã đưa ra 5 tình huống dịch bệnh SXH, gồm: khi chưa xuất hiện dịch; khi có nguy cơ cao; khi xuất hiện ổ dịch nhỏ; có dịch trên quy mô thôn ấp, khu phố; dịch quy mô xã, phường. Ở trường hợp nào, đơn vị cũng đã ra các phương án xử lý cụ thể, hiệu quả nhằm hạn chế số ca mắc, khống chế thành công dịch bệnh, không để tử vong do SXH gây ra.

Ông Lâm Quốc Phong, Giám đốc TTYT TX.Phú Mỹ cho hay, trung tâm tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng; tổ chức khoanh vùng dập dịch kịp thời, triệt để không để dịch bùng phát lây lan. Đồng thời chủ động đề xuất, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống SXH. Trung tâm còn yêu cầu rrạm y tế các xã, phường quản lý tình hình dịch bệnh tại địa phương để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh phản hồi về TTYT thị xã để có hướng xử lý kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.

Ông Phong nói thêm: Các trạm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương triển khai diệt lăng quăng hàng tuần tại các khu phố, thôn, ấp đang có dịch và nguy cơ ở mức báo động dịch; huy động các lực lượng như: đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, HS… tham gia giữ gìn vệ sinh, môi trường xanh, sạch, đẹp.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
.
.
.