.

Xây dựng cơ sở dữ liệu các dân tộc thiểu số

Cập nhật: 17:52, 01/07/2024 (GMT+7)

Đó là một trong những mục đích của cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Để hiểu rõ hơn về hoạt động này, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với ông Đỗ Danh Thành, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh.

Phóng viên: Đây là lần thứ ba cuộc điều tra, thu thập thông tin về kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức. Mục đích của hoạt động này là gì, thưa ông?

- Ông Đỗ Danh Thành: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Để chính sách mang lại hiệu quả cao nhất, việc nắm bắt, hiểu rõ thực trạng về thực tế đời sống của bà con đặc biệt quan trọng.

Cuộc điều tra lần này có 3 mục đích chính. Một là thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các điều kiện nhà ở, vệ sinh, các phương tiện sinh hoạt; hoạt động giao tiếp cộng đồng, nhất là việc tiếp cận kỹ thuật, công nghệ mới…

Cuộc điều tra, thu thập thông tin về đời sống kinh tế-xã hội đồng bào dân tộc thiểu số đợt này dự kiến diễn ra từ 1/7 đến hết 15/8. Trong ảnh: Điều tra viên thu thập thông tin tại gia đình chị Vũ Thị Hường, dân tộc Tày, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc.
Cuộc điều tra, thu thập thông tin về đời sống kinh tế-xã hội đồng bào dân tộc thiểu số đợt này dự kiến diễn ra từ 1/7 đến hết 15/8. Trong ảnh: Điều tra viên thu thập thông tin tại gia đình chị Vũ Thị Hường, dân tộc Tày, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc.

Hai là thu thập thông tin phục vụ tính toán các chỉ tiêu thống kê trong hệ thống thống kê quốc gia và các chỉ tiêu thống kê dân tộc phục vụ cho việc xây dựng và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030.

Do đó, khối lượng thông tin thu thập lần này rất lớn, toàn diện với 114 câu hỏi về mọi lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân, từ nhân khẩu học, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, tôn giáo, di cư, hôn nhân (có cả thông tin về tảo hôn); việc tiếp cận giáo dục, đào tạo tình trạng việc làm, thất nghiệp; tiếp cận các dịch vụ y tế nhà ở và các phương tiện sinh hoạt…

Các thông tin này sẽ được sử dụng cho mục đích gì, thưa ông?

- Kết quả tổng hợp của cuộc điều tra sẽ cho thấy “tiếng nói” của đồng bào các dân tộc thiểu số về thực trạng kinh tế-xã hội tại nơi mà họ sinh sống; hiệu quả cũng như những hạn chế cần khắc phục trong những chính sách đầu tư phát triển với đời sống của đồng bào trong dòng chảy phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước và các địa phương sẽ xây dựng các chính sách phù hợp để giải quyết những bất cập, khó khăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số với tiêu chí không để ai bị bỏ lại phía sau...

Các thông tin được thu thập đợt này cũng sẽ góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Với tính chất quan trọng đó, Cục Thống kê tỉnh đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc điều tra lần này?

- Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Thống kê tỉnh sẽ thu thập thông tin tại 4 đơn vị hành chính có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là các huyện: Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Châu Đức và TX.Phú Mỹ.

Ngay từ đầu năm, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức và từng bước thực hiện theo đúng lộ trình. Để bảo đảm chất lượng thu thập thông tin, các lực lượng tham gia cuộc điều tra đã được lựa chọn kỹ lưỡng và tập huấn đầy đủ về nghiệp vụ. Cùng với đó, đến nay việc lập danh sách các hộ thuộc đối tượng điều tra đã hoàn thành. Các công tác chuẩn bị khác cũng cơ bản hoàn tất, giúp cuộc điều tra bắt đầu đúng kế hoạch vào ngày 1/7.

Đây là cuộc điều tra lớn, liên quan đến nhiều địa phương, hộ gia đình. Do đó, Cục Thống kê tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó, chú trọng đặc biệt đến việc tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa nội dung cơ bản của cuộc điều tra tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân tại các địa bàn điều tra để tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của các cấp, các ngành và Nhân dân… nhằm bảo đảm cuộc điều tra này diễn ra thành công.

Xin cảm ơn ông!

HÀN GIANG (Thực hiện)

.
.
.