Những điều cần biết về bệnh vảy nến

Thứ Sáu, 14/06/2024, 15:04 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính kéo dài, không lây, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở người từ 20 đến 30 tuổi và từ 50 đến 60 tuổi, tỷ lệ nam, nữ tương đương nhau.

Bệnh vảy nến ngoài những biến chứng nguy hiểm, còn ảnh hưởng rất lớn về mặt thẩm mỹ.
Bệnh vảy nến ngoài những biến chứng nguy hiểm, còn ảnh hưởng rất lớn về mặt thẩm mỹ.

Bệnh biểu hiện bằng các mảng da bong tróc tạo thành vảy, tổn thương có màu hồng hoặc đỏ, thậm chí màu tím hoặc nâu sẫm, lớp vảy trên bề mặt màu xám, màu trắng hoặc màu bạc, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng phần lớn là khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng dưới. Một số trường hợp có thể ngứa hoặc đau.

Tùy theo vị trí xuất hiện và đặc điểm của các tổn thương, ngành da liễu chia bệnh vảy nến thành nhiều loại: vảy nến thông thường; vảy nến mụn mủ (xuất hiện ở vùng da tay và chân); vảy nến giọt (tổn thương có hình dạng như giọt nước xuất hiện trên khắp cơ thể, thường gặp ở trẻ em); vảy nến móng, móng dày và có những lỗ nhỏ trên bề mặt móng; vảy nến da đầu (trên da đầu có vảy hoặc những mảng da dày màu trắng); vảy nến nếp gấp (thường gặp ở người bị béo phì với các tổn thương ở vùng nếp gấp của da như nách, háng…); viêm khớp vẩy nến (biểu hiện bằng sưng các khớp ngón tay, ngón chân hoặc xương sống, đầu gối). Chiếm 90% các trường hợp là vảy nến mảng bám, xuất hiện dưới dạng các mảng màu đỏ có vảy trắng ở mặt sau cẳng tay, cẳng chân, vùng rốn và da đầu.

Triệu chứng thông thường của các dạng bệnh vảy nến là ngứa ngáy, đau rát, bùng phát trong vài tuần đến vài tháng, sau đó giảm dần một thời gian rồi lại tái phát.

Nguyên nhân bệnh vảy nến là khi người bệnh gặp rối loạn về hệ thống miễn dịch, sự thay thế tế bào da diễn ra nhanh hơn bình thường, chỉ khoảng 3 đến 7 ngày thay vì 3 hoặc 4 tuần khiến cơ thể phải gia tăng sản xuất tế bào da, dẫn đến sự tích tụ tế bào da, tạo thành mảng…

Chẩn đoán và điều trị bệnh vảy nến
Thông thường, bác sĩ chuyên khoa da liễu dễ dàng chẩn đoán vảy nến dựa trên các tổn thương da điển hình. Do đó người bệnh không cần xét nghiệm máu, ngoại trừ một số ít trường hợp, bác sĩ cần phân biệt với một vài bệnh khác như viêm khớp dạng thấp bằng cách cho chụp X-quang, làm sinh thiết mẫu da nhỏ để tránh nhầm lẫn với một số bệnh như chàm dạng đĩa, chàm tiết bã, vảy phấn hồng, nấm móng, u lympho tế bào T ở da, bệnh giang mai…
Về điều trị, trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ da liễu sẽ áp dụng phương pháp tại chỗ bằng các loại kem, thuốc mỡ, kết hợp với liệu pháp quang học, chiếu tia cực tím. Nếu những cách này không hiệu quả hoặc tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ được điều trị toàn thân bằng những loại thuốc uống hoặc tiêm, trong đó có thuốc sinh học-là các protein làm gián đoạn quá trình miễn dịch liên quan đến bệnh vảy nến.

Ngoài ra, còn có các tác nhân khác như di truyền từ cha mẹ sang con cái, chấn thương da, nhiễm trùng họng, người mắc bệnh viêm ruột (bệnh crohn) hoặc viêm loét đại tràng, béo phì, một số rối loạn tim mạch và chuyển hóa như tiểu đường cũng có nguy cơ bị vảy nến.

Bệnh vảy nến hiện vẫn là bệnh mạn tính, khiến người bệnh tự ti, mặc cảm vì hình dạng bất thường trên da. Và bởi vì phải điều trị lâu dài nên không ít người thiếu kiên nhẫn, bỏ cuộc nửa chừng khiến bệnh nặng nề hơn, gây ra các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

Cũng không ít người tìm đến các bài thuốc dân gian, thuốc “cổ truyền”, thuốc “dân tộc” theo lối truyền khẩu rồi tự chữa, dẫn đến những tác dụng ngược, nhất là những loại thuốc “dân tộc”, cổ truyển” có chứa corticoid như dexamethasone, prednisolone, thạch tín…, gây ngộ độc toàn thân, suy tuyến thượng thận, rối loạn chuyển hóa, loãng xương, rối loạn tim mạch…

Vì thế trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng, tránh ánh nắng mặt trời, giữ vệ sinh da, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, hạn chế thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ. Tăng cường bổ sung thức ăn chứa acid folic và omega 3 từ cá thu, cá hồi, dầu ô liu, các loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt...

ThS, Bs CKII Da liễu NGUYỄN VĂN ÚT

;
.