Nhiều điểm mới về chuẩn chuyên môn nghiệp vụ nhà giáo

Thứ Ba, 11/06/2024, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thay thế cho Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH do Bộ LĐTBXH vừa ban hành đã đưa ra nhiều điểm mới, thay đổi lớn trong cách xác định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như trong cách đánh giá, xếp loại nhà giáo giáo dục nghề nghiệp so với trước đây.

Theo đó, nhà giáo đạt chuẩn kỹ năng nghề để dạy thực hành khi có các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận sau:

Văn bằng của một số ngành đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc có chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, định hướng nghề như bằng kỹ sư; bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II; bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên đối với một số nhóm ngành nghệ thuật; thể dục, thể thao; máy tính và công nghệ thông tin; kế toán; quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; đào tạo giáo viên; ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài.

Chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề như danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú trở lên; chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật; chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia; chứng nhận giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế... Văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận khác về trình độ kỹ năng nghề đã được bổ sung theo đề nghị của một số bộ chuyên ngành, như: giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên (Công ước STCW)... Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp như chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 4 Khung trình độ quốc gia (Niveau 4 DQR) của Cộng hòa Liên bang Đức; chứng chỉ kỹ năng nghề trình độ cao đẳng, cao đẳng nâng cao (Diploma, Advanced Diploma) của Úc...

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 05/2024, chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã được nhóm thành 5 tiêu chí đối với nhà giáo dạy ở cả 3 cấp trình độ CĐ, trung cấp và sơ cấp: tiêu chí về trình độ đào tạo; tiêu chí về trình độ nghiệp vụ sư phạm; tiêu chí về năng lực sử dụng ngoại ngữ; tiêu chí về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; tiêu chí về học tập, bồi dưỡng nâng cao. Cũng theo thông tư mới, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chỉ cần được đánh giá là đạt hoặc không đạt theo 5 tiêu chí (không còn đánh giá cho điểm đạt chuẩn). Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là viên chức trong các cơ sở công lập chỉ cần được đánh giá xếp loại theo quy định của Luật Viên chức.

Ngoài ra, thông tư mới tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trong việc quản lý về chuyên môn.

HẢI BÌNH

;
.