Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ), hen phế quản... có xu hướng gia tăng và là nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh. Vì vậy, ngành y tế đã triển khai công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, điều trị các BKLN ngay tại trạm y tế (TYT).
Bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền, TYT TT.Đất Đỏ khám bệnh cho ông Ngô Văn Tôm. |
Điều trị gần nhà
Ông Ngô Văn Tôm (76 tuổi, ở tổ 4, KP.Thanh Long, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) mắc bệnh THA nhiều năm nay. Hàng tháng, ông đều đến TYT TT.Đất Đỏ để kiểm tra sức khỏe và lấy thuốc THA về uống. Ngoài được cấp thuốc, ông Tôm còn được bác sĩ của trạm tư vấn kỹ lưỡng về chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, dinh dưỡng, tập luyện hằng ngày… nhằm phòng, ngừa bệnh trở nặng. Nhờ tuân thủ lời dặn của bác sĩ và uống thuốc đủ liều, ông đã kiểm soát được bệnh THA.
“TYT TT.Đất Đỏ có bác sĩ và cấp thuốc đầy đủ. Nhà tôi ở gần trạm nên đi khám, lấy thuốc cũng thuận tiện. Vì thế, tôi lựa chọn khám và điều trị bệnh THA ở đây”, ông Tôm cho hay.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền, TYT TT.Đất Đỏ cho biết, từ năm 2023 đến nay, khi có bác sĩ về công tác, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị các BKLN tại trạm đông hơn trước. Đến nay, trạm đang quản lý 2.830 trường hợp THA, 832 bệnh nhân ĐTĐ, 22 ca hen phế quản. Trong số này, có hơn 560 trường hợp bị THA, ĐTĐ đến trạm khám và lấy thuốc điều trị thường xuyên.
“Trạm được trang bị phần mềm quản lý người bệnh, cung cấp thuốc và các trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, tư vấn sức khỏe cho người mắc BKLN nên công tác quản lý tương đối thuận lợi. Chúng tôi tập trung khám, cấp thuốc và hướng dẫn dự phòng bệnh cho người dân”, bác sĩ Huyền nói thêm.
TYT xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) cũng thực hiện nhiều giải pháp để phát hiện sớm, quản lý, điều trị các BKLN trên địa bàn. Hàng năm, trạm phối với với TTYT thành phố tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi, khám sàng lọc lao tại cộng đồng. Trạm thực hiện sàng lọc hàng tháng đối với người từ 40 tuổi trở lên thông qua bộ câu hỏi; kết hợp hỏi người dân khi họ đến, sử dụng các dịch vụ y tế tại trạm. Bên cạnh đó, TYT xã Hòa Long còn kết nối với các phòng khám tư, Bệnh viện Bà Rịa, TTYT TP.Bà Rịa để nắm thông tin, số lượng người mắc các BKLN để nhập số liệu vào phần mềm quản lý bệnh nhân.
Y sĩ Hồ Mai Hải Yến, TYT xã Hòa Long cho biết thêm: “Đến nay, trạm đã phát hiện 545 bệnh nhân ĐTĐ, nhưng quản lý được 294 ca; có 2.088 người THA được phát hiện trong đó có hơn 1.440 ca được quản lý điều trị. Thông qua việc quản lý bệnh nhân mắc các BKLN để tăng cường công tác truyền thông, giáo dục để người dân tuân thủ điều trị, theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng”.
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh phát hiện hơn 147.930 bệnh nhân THA và gần 48.630 bệnh nhân ĐTĐ. Trong đó, có gần 93.790 bệnh nhân THA và hơn 28.500 ca ĐTĐ đang được quản lý, điều trị tại TYT. 82/82 TYT quản lý, trong đó có 80 TYT quản lý và điều trị các BKLN. Các TYT được cung cấp đủ 3 nhóm thuốc điều trị THA và ĐTĐ. |
Sàng lọc phát hiện sớm
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đánh giá, công tác quản lý, theo dõi và điều trị các BKLN trên địa bàn tỉnh được triển khai từ tuyến tỉnh đến các TTYT tuyến huyện và TYT xã, phường, thị trấn.
Hàng năm, ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống yếu tố nguy cơ, sàng lọc phát hiện sớm BKLN; bảo đảm đầy đủ thuốc, thiết bị y tế cần thiết cho quản lý, điều trị; tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về phát hiện, dự phòng và quản lý, điều trị BKLN cho tuyến y tế cơ sở. Qua đó, số người được quản lý, theo dõi, điều trị các BKLN trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.
Tuy nhiên, số người mắc BKLN trong cộng đồng chưa được phát hiện, quản lý, điều trị còn nhiều. Hầu hết các BKLN phải dùng thuốc suốt đời. Những người mắc BKLN được phát hiện, quản lý, theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế, đặc biệt là ngay tại địa phương sẽ giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng bệnh, giảm chi phí đi lại, giảm các tai biến và giảm gánh nặng bệnh tật, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm, cũng như góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bác sĩ Nguyễn Viết Điện, Giám đốc CDC tỉnh cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác phát hiện, quản lý, theo dõi, điều trị các BKLN, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần tích cực phối hợp với ngành y tế. Trong đó, cần chủ động đưa công tác phòng, chống BKLN vào chương trình, kế hoạch năm của địa phương, đơn vị và bố trí nguồn kinh phí hợp lý để triển khai các hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, bổ sung vật tư, thiết bị, phục vụ công tác quản lý BKLN tại cộng đồng.
“Đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông phòng, chống BKLN bằng nhiều hình thức trên các kênh thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội. Khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế, khuyến khích mạnh mẽ xã hội hóa y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở”, bác sĩ Nguyễn Viết Điện nói thêm.
Bài ảnh: TUỆ LÂM