Dạy cho con hiểu về giá trị của tiền bạc, tạo thói quen tiết kiệm tiền cũng như tiêu dùng thông minh là việc cha mẹ cần làm càng sớm càng tốt nhằm tạo cho con nền tảng về tiền bạc, biết cách quản lý chi tiêu, tránh được nợ nần và có kế hoạch tài chính hợp lý sau này.
Tiền là có giới hạn
Theo chuyên gia, từ 3-5 tuổi, cha mẹ có thể dạy con nhận biết về cách tiết kiệm và từ 6 tuổi có thể dạy con thực hành tiết kiệm để hình thành cho bé một thói quen tốt về quản lý tài chính trong tương lai.
Đầu tiên, cha mẹ cần cho con hiểu rằng tất cả tiền kiếm được đều phải đổi bằng công sức, trí tuệ. Và tiền cũng chỉ có một giới hạn nhất định, không phải cái gì con yêu cầu cũng có thể được đáp ứng dễ dàng. Bài học này sẽ giúp cho trẻ biết đắn đo trước đồng tiền và biết cách tiêu tiền hợp lý nhất.
Tiếp đó, cha mẹ cần dạy con những bài học đơn giản về tiết kiệm, có thể bắt đầu từ việc nhỏ như nuôi heo đất. Mỗi ngày, cha mẹ có thể cho bé một ít tiền lẻ và khéo léo nhắc bé tạo thói quen bỏ ống heo tiết kiệm. Nếu bé có thắc mắc vì sao chúng ta phải tiết kiệm, cha mẹ nhớ giải thích cho con bằng những ví dụ cụ thể như: “mỗi ngày con để vào đây 5 ngàn đồng, sau 1 tháng là mua được 1 chiếc xe đồ chơi trị giá 150 ngàn đồng rồi đấy!”.
Sử dụng ngân sách thích hợp
Với trẻ nhỏ, việc sử dụng tiền của mình thích hợp dường như là điều không thể. Nhưng nếu cha mẹ kiên trì trong việc dạy dỗ bé cách chi tiêu thích hợp thì dần dần thói quen này sẽ ăn sâu vào tính cách. Chẳng hạn như dịp Tết, bé nhận tiền lì xì từ người lớn, cha mẹ nên khuyến khích con để dành tiền đó lại để sau này sử dụng vào các việc quan trọng như tổ chức sinh nhật của mình, mua quà sinh nhật cho các thành viên trong gia đình. Bài học này sẽ vô cùng hữu dụng khi bé bước vào cuộc sống tự lập phải tự lo lắng cho mình mọi thứ.
Bên cạnh đó, việc dạy trẻ biết đánh giá nhu cầu thực sự cũng là một phần quan trọng. Trẻ nhỏ thường có xu hướng muốn mua đủ mọi thứ mà con thích, bất kể có thực sự cần hay không. Vì vậy, cha mẹ nên áp dụng cách giải thích cho con hiểu sự khác biệt giữa việc mua những thứ mình “cần” và những thứ mình “muốn”. Hãy cho con hiểu rõ về cách phân biệt giữa những nhu cầu cơ bản và những mong muốn tạm thời, để giúp trẻ quản lý tài chính một cách thông minh.
Chẳng hạn, thay vì chỉ đơn giản mua bánh kẹo hoặc đồ chơi mà con muốn, cha mẹ nên thử thay đổi quan điểm bằng cách tập trung vào những thứ mà con và gia đình cần thực sự, như rau củ, thịt cá, gạo... và hỏi rằng “Theo con thì bánh kẹo, đồ chơi hay thực phẩm cho gia đình thì cần thiết hơn”. Điều này giúp con nhận ra giá trị thực sự của những gì mình cần và giúp cha mẹ có thể dạy con cách tiêu tiền hợp lý hơn.
HẢI YẾN