Nắng nóng, cảnh báo nguy cơ đột quỵ

Thứ Ba, 07/05/2024, 18:25 [GMT+7]
In bài này
.

Thời tiết nắng nóng làm số bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện tăng, đặc biệt là người lớn tuổi và người có bệnh nền.

Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa kiểm tra sức cơ cho bệnh nhân sau khi nhập viện do đột quỵ.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa kiểm tra sức cơ cho bệnh nhân sau khi nhập viện do đột quỵ.

Số người nhập viện tăng cao

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận, điều trị khoảng 450 bệnh nhân đột quỵ. Đáng chú ý, từ tháng 3, số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ tăng khoảng 20% so với các thời điểm khác trong năm. Phần lớn người bệnh từ 50 tuổi trở lên và từng mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch…

Mới đây, ông N.V.T, (70 tuổi, ở phường 12, TP.Vũng Tàu) cảm thấy bị ù tai, chóng mặt, sau đó nói ngọng, yếu nửa người nên ngã quỵ xuống đường. Ông được người nhà phát hiện và nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.

Qua thăm khám và kết quả chụp CT cho thấy, ông T. bị đột quỵ. Do vào viện trong “giờ vàng” (trước 8 giờ đầu sau đột quỵ) nên ông đã được bác sĩ cứu chữa kịp thời. Ông còn được dùng thuốc dự phòng tái phát đột quỵ, kết hợp hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng, nhờ đó, tình trạng sức khỏe của ông T. cải thiện rõ. Ông nói rõ, chân tay cử động được...

Thời tiết nắng nóng dễ gia tăng các nguy cơ gây đột quỵ. Người lao động không nên làm việc quá sức dưới trời nắng. Trong ảnh: Công nhân đang thi công tại một công trình xây dựng trên địa bàn phường 10, TP. Vũng Tàu.
Thời tiết nắng nóng dễ gia tăng các nguy cơ gây đột quỵ. Người lao động không nên làm việc quá sức dưới trời nắng. Trong ảnh: Công nhân đang thi công tại một công trình xây dựng trên địa bàn phường 10, TP. Vũng Tàu.

Tại Bệnh viện Vũng Tàu, từ tháng 4 trở lại đây, đơn vị này cấp cứu cho nhiều trường hợp bị đột quỵ. Có những ngày lên tới 3-4 ca, trong đó có cả những bệnh nhân còn trẻ tuổi. Nhiều trường hợp chuyển nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị.

Cách đây khoảng 2 tuần, ông H.T.T., (49 tuổi, ở phường 5, TP.Vũng Tàu) đi câu cá vào buổi trưa, ông bị chóng mặt và té ngã rồi lịm dần. Những người ở gần đó đã phát hiện, gọi người nhà và đưa vào Bệnh viện Vũng Tàu.

Bác sĩ chẩn đoán, ông T. bị liệt 1/2 người, nhồi máu não tách mạch máu lớn, mỡ máu cao. Mặc dù, người bệnh vào viện trong “giờ vàng”, được dùng thuốc tiêu sợi huyết, kết hợp thuốc kiểm soát mỡ máu, tập vật lý trị liệu… Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nặng nên sức khỏe của ông T. vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Nhiều bệnh nhân lỡ mất “giờ vàng”

Bác sĩ lưu ý, nắng nóng làm tăng nguy cơ gây đột quỵ, nhất là những người dễ kích thích, nhạy cảm với môi trường; người lớn tuổi, người có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp…).

Các trường hợp này, cần phải kiểm soát tốt bệnh nền, uống thuốc dự phòng đột quỵ theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, không nên làm việc quá sức, có chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, rèn luyện sức khỏe phù hợp với thể trạng, không hút thuốc lá…

Khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, như méo miệng, nói ngọng, tay chân yếu, chóng mặt… cần nhanh chóng vào Bệnh viện Bà Rịa hoặc Bệnh viện Vũng Tàu để được can thiệp kịp thời. Người bệnh vào viện càng sớm thì cơ hội trở lại cuộc sống bình thường càng cao.

Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân bị đột quỵ đã bị lỡ “giờ vàng” trong cấp cứu. Theo một khảo sát mới đây của Bệnh viện Vũng Tàu, hơn 82,6% bệnh nhân đột quỵ vào viện sau “giờ vàng” (4, 5 giờ). Tình trạng này ở Bệnh viện Bà Rịa thấp hơn, nhưng cũng có hơn 50% bệnh nhân vào viện trễ.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho bệnh nhân vào viện trễ là do nhận thức về đột quỵ trong cộng đồng chưa cao. Nhiều người nhầm lẫn giữa đột quỵ và các bệnh thông thường khác như cảm nắng, say nắng.

Có người thì chủ quan với sức khỏe của bản thân, khi thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi nhưng không đi khám bệnh. Mặt khác, khoảng cách địa lý và hoàn cảnh gia đình cũng phần nào ảnh hưởng đến việc nhập viện của họ.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.