Cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị bỏng nặng do điện giật
Chiều 15/5, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, nhân viên y tế của đơn vị vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một bệnh nhân bị bỏng nặng do bị điện giật trong quá trình lao động.
Bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) kiểm tra các vết bỏng cho bệnh nhân. |
Theo thông tin do Bệnh viện Bà Rịa cung cấp, khoảng 9 giờ 30 phút cùng ngày, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.V.T., (30 tuổi, quê ở tỉnh An Giang) trong tình trạng hơn 1/2 cơ thể bị bỏng cháy da, kích thích vật vã, huyết áp tụt thấp, mạch nhanh, tổn thương mắt…
Ngay lập tức, đội ngũ y, bác sĩ có mặt tại Khoa Cấp cứu đã nhanh chóng hồi sức, truyền dịch, dùng thuốc giảm đau, băng bó vết thương. Khoảng 1 giờ sau, bệnh nhân tỉnh táo; mạch, huyết áp và nhịp thở trở về bình thường.
Sau đó, người bệnh được chuyển lên Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) tiếp tục loại bỏ các phần da bị khô cháy, điều trị, chăm sóc và theo dõi. Đến chiều tối, anh T. tiếp xúc được, tri thức và sinh hiệu ổn định.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa đánh giá, bệnh nhân này bị bỏng nặng (mức độ 2-3). Người bệnh được cấp cứu và điều trị kịp thời nên không còn đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, cần phải theo dõi từ 48-72 giờ mới có thể đánh giá mức độ tổn thương các bộ phận, chức năng của cơ thể.
Bác sĩ khuyến cáo, các ca bệnh bị bỏng nặng nếu không được cấp cứu kịp thời thì khả năng tử vong hoặc để lại nhiều di chứng (suy thận, tim, gan, não) cao hơn so với những nguyên nhân gây bỏng khác.
Khi làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ bị điện giật, người lao động cần mang bảo hộ lao động cách điện, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Khi thấy người bị điện giật, người cứu không được chạm trực tiếp với nạn nhân mà dùng biện pháp an toàn khác. Khi tách người bệnh ra khỏi nguồn điện thì khẩn trương đưa người bệnh vào viện trong thời gian nhanh nhất.
Tin, ảnh: TUỆ LÂM