.

Bệnh án điện tử triển khai khó vì hạ tầng yếu

Cập nhật: 18:40, 29/05/2024 (GMT+7)

Theo kế hoạch của Sở Y tế, năm 2024, toàn tỉnh có 6 cơ sở y tế công lập phải triển khai bệnh án điện tử (BAĐT). Việc này sẽ giải quyết được những bất cập của bệnh án giấy hiện nay, song thực hiện BAĐT còn gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên y tế (Bệnh viện Vũng Tàu) mất nhiều thời gian để viết bệnh án trên giấy.
Nhân viên y tế (Bệnh viện Vũng Tàu) mất nhiều thời gian để viết bệnh án trên giấy.

Bất cập của bệnh án giấy

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Vũng Tàu cho xuất viện khoảng 100 bệnh nhân. Với số bệnh nhân này, khối lượng công việc liên quan đến ghi chép hồ sơ bệnh án trên giấy, tổng kết, lưu trữ tại các khoa của bệnh viện rất lớn.

Ông Trần Thiện Trường, Trưởng Phòng Kế hoạch -Tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, mẫu bệnh án theo quy định của Thông tư 32/2023/TT-BYT và văn bản của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy bất cập trong ghi chép hồ sơ bệnh án trên giấy. Trong đó, nhiều loại biểu mẫu được yêu cầu làm dài hơn. Chẳng hạn, tờ cam kết phẩu thuật, thủ thuật từ 1 tờ giấy A5 chuyển sang 2 tờ giấy A4; ở khoa cấp cứu cần đến 5 giấy tờ cho 1 bệnh nhân nhập viện.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 18/1/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định 130/QĐ-BYT về việc quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí KCB bệnh và giải quyết các chế độ liên quan. Điều này làm tăng thêm công việc cho các cơ sở y tế, khi vừa làm bệnh án trên giấy vừa thực hiện các yêu cầu của Quyết định 130/QĐ-BYT.

Một bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện công lập của tỉnh chia sẻ, việc hoàn thành hồ sơ bệnh án trên giấy theo các mẫu quy định như hiện nay mất nhiều thời gian của nhân viên y tế. Có những thông tin, dữ liệu phải sao chép, lặp đi lặp lại trong cùng một bệnh án. Nhân viên y tế khó tra cứu thông tin, xem xét dữ liệu… trong quá trình chăm sóc người bệnh. “Tôi mong muốn bệnh viện triển khai BAĐT để giải quyết những bất cập của bệnh án giấy”, bác sĩ này cho hay.

Theo các bệnh viện, thực hiện BAĐT mang lại nhiều lợi ích cho các nhóm đối tượng. Đối với người bệnh, không phải lưu trữ tất cả giấy tờ khi đi KCB; không mất kết quả xét nghiệm; giảm thời gian chờ đời; tự quản lý thông tin sức khỏe. Nhân viên y tế truyền tải dữ liệu của người bệnh giữa các khoa, phòng, giữa các bệnh viện một cách nhanh chóng; tránh được các chỉ định cận lâm sàng trùng lặp; hồ sơ bệnh án trình bày rõ ràng hơn; theo dõi được toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh, nhất là những ca bệnh điều trị dài ngày. Cơ sở KCB không phải lưu trữ các giấy tờ liên quan đến người bệnh…

Theo chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí, Trung tâm Y tế huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc là những cơ sở KCB triển khai BAĐT trong năm 2024.

Gặp khó về hạ tầng công nghệ thông tin 

Bệnh viện Bà Rịa có 8 máy chủ, song số trang thiết bị ở phòng máy chủ không đạt chuẩn theo Thông tư 54/2017/TT-BYT Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và hướng dẫn xác định mức ứng dụng CNTT tại cơ sở KCB. Bệnh viện không có thiết bị kiểm soát ra vào cửa, hệ thống báo cháy và chữa cháy, sàn nâng kỹ thuật, camera giám sát, UPS tập trung, điều hòa đạt chuẩn, hút ẩm, theo dõi nhiệt độ ẩm.

Hiện nay, tại Bệnh viện Bà Rịa có nhiều máy tính đã cũ, đầu tư lâu năm, nay không đáp ứng hoạt động hoặc hay bị hư hỏng. Phần mềm quản lý bệnh viện được trang bị cách đây 10 năm nên hoạt động chậm, chưa đáp ứng như cầu vận hành của đơn vị. Phần mềm lưu trữ và truyền hình ảnh đang thử nghiệm, chưa kết nối với phần mềm quản lý bệnh viện. Đơn vị này cũng chưa triển khai chữ ký số. Từ những hạn chế này, Bệnh viện Bà Rịa xác định cần phải thực hiện theo trình tự triển khai BAĐT. Đầu tiên, bệnh viện nâng cấp cơ sở hạ tầng về máy chủ, máy trạm, hệ thống mạng. Sau đó, nâng cấp các phần mềm của bệnh viện và tiến tới số hóa, lưu trữ hồ sơ BAĐT.

Còn Bệnh viện Vũng Tàu mới được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2021. Nhưng hiện trạng CNTT ở mức đủ sử dụng và khai thác cho nhu cầu quản lý điều hành của bệnh viện. Cơ sở KCB này chưa đáp ứng các tiêu chí ứng dụng CNTT của BAĐT theo Thông tư 54/2017/TT-BYT. Cụ thể, hệ thống bảo mật firewall chưa được đầu tư nên khả năng bảo vệ an toàn, an ninh thông tin hồ sơ bệnh án không cao, có nguy cơ mất an toàn dữ liệu. Bệnh viện có phòng máy chủ nhưng chưa được đầu tư các hệ thống hỗ trợ vận hành như sàn nâng, điều hòa luân phiên, chống sét, phòng chống chữa cháy, giám sát độ ẩm. Hệ thống mạng trung tâm chưa có thiết kế chạy dự phòng. Hệ thống lưu trữ có dung lượng thấp… Do đó, để thực hiện BAĐT, Bệnh viện Vũng Tàu cần được cấp kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT và các phần mềm của bệnh viện để đạt các mức nâng cao theo các tiêu chí trong Thông tư 54/2017/TT-BYT.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.