Trẻ sơ sinh bự, mừng hay lo?

Thứ Tư, 10/04/2024, 17:36 [GMT+7]
In bài này
.

Ở Việt Nam, một em bé vừa mới sinh ra có trọng lượng từ 4kg trở lên được gọi là “con to” và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Việc thai nhi có cân nặng vượt trội không chỉ có ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé trong thời gian thai kỳ mà sau này lớn lên, trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch.

Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) khám sức khỏe cho mẹ con sản phụ B.T.K.H.
Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) khám sức khỏe cho mẹ con sản phụ B.T.K.H.

Nhiều bé ‘khổng lồ”

Cách đây 10 ngày, Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) tiếp nhận sản phụ B.T.K.H. (34 tuổi, phường 10, TP.Vũng Tàu). Suốt quá trình mang thai, sản phụ không đi khám thai định kỳ, chỉ đi siêu âm. Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định chị H. có huyết áp cao, viêm gan B, tiền sản giật, có dấu hiệu bị bệnh đái tháo đường, thai nhi lớn. Do đó, sản phụ được chỉ định phẫu thuật lấy thai. Một bé trai nặng 5,5kg chào đời khỏe mạnh. Đây là đứa con thứ 3 của vợ chồng chị.

Chị H. cho hay, trong thời gian thai kỳ, chị ăn uống và nghỉ ngơi bình thường, không có chế độ gì đặc biệt. Ở 2 lần mang thai trước, các con sinh ra chỉ có cân nặng 3,2kg và 3,5kg. Vì vậy, bé thứ 3 có cân nặng vượt trội khiến chị H vừa mừng, vừa lo. “Con vừa chào đời, nhìn nó bụ bẫm, tôi cũng vui lắm. Song khi thấy bác sĩ giải thích sau này con lớn lên có nguy cơ mắc một số bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe thì tôi cảm thấy lo”, sản phụ H. cho hay.

Trường hợp con to như chị H. không còn là chuyện hi hữu. Cuối tháng 3/2024, Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) cũng mổ lấy thai cho một sản phụ nặng khoảng 100kg và thai nhi nặng 5kg. Trường hợp này cũng không đi khám thai định kỳ để được bác sĩ tư vấn và cho làm các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Thai phụ còn bị tiểu đường và phải dùng thuốc. Bác sĩ nhận định, đây là nguyên nhân chính dẫn tới cả mẹ và thai nhi có cân nặng vượt trội.

Theo bác sĩ Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu), những năm trước, khoa đã tiếp nhận và mổ lấy thai cho một số sản phụ có thai nhi nặng hơn 5kg và nhiều ca hơn 4kg.  Việt Nam cũng ghi nhận nhiều bé sơ sinh có cân nặng “khổng lồ”. Điển hình, năm 2023, bé gái nặng 6,1kg ở TP.Hồ Chí Minh, bé trai nặng 6kg ở Hà Tĩnh, bé trai nặng 5,6kg ở Quảng Ninh…

Bé sơ sinh chào đời có cân nặng cao, sau này sẽ có nguy cơ bị bệnh bệnh hô hấp, tiểu đường, tim mạch. Do đó, sản phụ cần theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của con, có chế độ ăn uống khoa học nhất là trong thời gian nhũ nhi từ 0 đến 12 tháng.
Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Vũng Tàu

Nguy hiểm rình rập khi thai lớn

Bác sĩ sản khoa cho rằng, ở nước ta, cân nặng trung bình của một trẻ mới sinh ra từ 3,2-3,3kg. Tuy nhiên, nhiều trẻ có cân nặng quá lớn. Nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa của người mẹ trong thời gian mang thai, nhất là người mẹ bị bệnh lý đái tháo đường thai kỳ.

Đây là tình trạng đáng lo ngại, bởi nhiều sản phụ mắc căn bệnh này. Hơn nữa, khi bị bệnh này cùng với tâm lý thoải mái khi mang thai nên sản phụ thường sẽ ăn, uống nhiều quá mức, không điều độ… khiến lượng đường trong máu của người mẹ tăng cao và đi qua nhau thai sẽ làm cho trọng lượng thai nhi tăng lên. Ngoài ra, trẻ mới sinh có cân nặng vượt trội còn do thai quá ngày hoặc trẻ bị đột biến gen.

Thai quá lớn có nguy cơ gây vỡ tử cung ở sản phụ, có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con, đặc biệt là những sản phụ đã có vết mổ cũ. Thai nhi to trên những sản phụ bị đái tháo đường sẽ gặp nhiều biến chứng nặng nề và nguy hiểm như tiền sản giật, sảy thai, thai lưu, đẻ non.

Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) cho rằng, dù xã hội đã văn minh, tiến bộ song vẫn còn có một bộ phận sản phụ còn chủ quan, thiếu kiến thức về sức khỏe thai kỳ cũng như tầm quan trọng của khám thai. Khi có bầu, chị em chỉ đi siêu âm và đây chỉ là một phần của khám thai.

Khi có dấu hiệu mang thai, sản phụ phải đến bệnh viện, gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn, lên lịch hẹn khám thai định kỳ và theo dõi, quản lý sức khỏe cho hai mẹ con. Đặc biệt, khi đi khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cho sản phụ làm các xét nghiệm để phát hiện tiểu đường, tiền sản giật, các bệnh truyền nhiễm cũng như các dị tật của em bé.

Bác sĩ Hoàng Phước Ba nhấn mạnh, tiểu đường thai kỳ không chỉ làm cho thai nhi có cân nặng quá cao mà còn nguy hiểm cho cả mẹ và bé nếu như không kiểm soát tốt đường huyết. Do đó, sản phụ nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp mẹ con sản phụ được theo dõi sát sao về sức khỏe. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp xử lý kịp thời và phù hợp, bảo đảm an toàn cho mẹ và bé. Chẳng hạn, thai nhi tăng cân nhanh, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát cân nặng, đồng thời duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng của từng sản phụ.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.