Nhân Tháng hành động về An toàn Vệ sinh lao động (ATVSLĐ), ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐTBXH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Bà Rịa - Vũng Tàu về những vấn đề liên quan.
● Thời gian qua, công tác ATVSLĐ đã có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?
- Ông Trần Quốc Khánh: Công tác ATVSLĐ thời gian qua được tỉnh rất quan tâm, nhất là về công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát cũng như huấn luyện về ATVSLĐ. Qua kiểm tra, giám sát đã khắc phục những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị, DN.
Ở các DN, đơn vị sản xuất, họ quan tâm nhiều hơn trong việc thực hiện kế hoạch bảo đảm ATVSLĐ: kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; phân loại và huấn luyện về ATVSLĐ; xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, giám sát thực hiện công tác ATVSLĐ; chủ động đánh giá rủi ro, có biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN… Nhờ đó, tình hình tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ít xảy ra.
Bà Rịa - Vũng Tàu dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cho công tác ATVSLĐ. Trong ảnh: Đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút phát động Tháng công nhân - Tháng ATVSLĐ năm 2023. |
● Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, cần phải có những giải pháp nào để phòng ngừa những yếu tố rủi ro và tăng cường công tác quản lý trong vấn đề này?
- Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với cả nước vừa tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư về Đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều kết quả tích cực.
Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị mới - Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới. Trong đó có rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp tạo điều kiện cho NLĐ làm việc trong môi trường bảo đảm ATVSLĐ, như: nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy, các tổ chức Đảng, chính quyền cũng như cơ quan, tổ chức, DN trong giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Tạo điều kiện cho NLĐ, nhất là người làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động được tiếp cận thông tin về những vấn đề liên quan đến ATVSLĐ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa.
Tháng ATVSLĐ năm 2024 có chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” diễn ra từ ngày 1/5 đến 31/5. Chủ đề của Tháng ATVSLĐ gửi đi thông điệp ATVSLĐ không chỉ riêng cho đối với một cá nhân, một DN, một đơn vị hay một quốc gia mà nó còn tác động đến cả một chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, để thấy rằng mỗi một khâu, một mắt xích trong quá trình sản xuất có thể ảnh hưởng và tác động đến cả một chuỗi cung ứng. Đây là thông điệp gửi đến các DN, nhất là những DN sản xuất hàng xuất khẩu. |
● Ông vừa đề cập đến Chỉ thị 29 của Ban Bí thư. Thưa ông, mức độ ảnh hưởng của Chỉ thị này trong 10 năm thực hiện là như thế nào tại địa phương?
- Theo báo cáo 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Tỉnh ủy, việc quán triệt Chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản đến các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và Nhân dân. Tinh thần của Chỉ thị đã được cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ; đi vào thực tế hoạt động sản xuất tại các đơn vị, DN...
Vai trò quản lý Nhà nước của các sở, ban, ngành, địa phương đối với người sử dụng lao động và NLĐ thể hiện rõ nét hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên tai nạn lao động vẫn luôn tiềm ẩn. Vì thế, để cải thiện điều kiện làm việc của NLĐ, Chỉ thị 31 tiếp tục yêu cầu cần phải tăng cường hơn nữa, đồng bộ các giải pháp: từ xây dựng chính sách pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, đến công tác huấn luyện cán bộ phụ trách ATVSLĐ, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của quản lý.
● Trân trọng cảm ơn ông!
NHÃ UYÊN (Thực hiện)