Ghi ở Mỹ Lai

Thứ Sáu, 26/04/2024, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Vùng đất Quảng Ngãi không có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng-như cách nói khiêm tốn mà các anh chị đồng nghiệp ở Báo Quảng Ngãi phân trần. Tuy nhiên, chuyến đi này đối với tôi đặc biệt ý nghĩa hơn bao giờ hết, đó là được đến Khu chứng tích Sơn Mỹ (hay còn gọi là Mỹ Lai), xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi mà cả nước đang hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đoàn công tác Báo Bà Rịa-Vũng Tàu thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Đoàn công tác Báo Bà Rịa-Vũng Tàu thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ.

1. Buổi chiều Sơn Mỹ thật bình yên. Trên cánh đồng đang bước vào mùa gặt, những đứa trẻ đầu trần, chân đất chạy dọc trên đám ruộng trơ gốc rạ để thả diều. Cạnh đó, đàn trâu thong thả gặm cỏ.

Ở một góc bên kia núi, những đám ruộng lúa bắt đầu ngả vàng, trải dài ngút tầm mắt. Hoàng Nam-đồng nghiệp đi cùng đoàn đã phải thốt lên, không có màu nào đẹp bằng màu của lúa. Nhưng một người sinh ra và lớn lên từ đồng ruộng như tôi, màu của lúa còn biểu hiện của sự bình yên và no đủ.

Nói như vậy để thấy rằng, cứ đến đâu nhìn thấy đồng lúa là chúng tôi thấy lòng mình dịu lại, nguôi bao nỗi nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật-như vốn dĩ đến bất cứ làng quê nào trên đất nước Việt Nam yêu dấu này.

Nhưng ở Sơn Mỹ, để có được màu bình yên của hôm nay, những người dân nơi này đã phải cố gắng rất nhiều. Bởi ở đó, di chứng mà chiến tranh để lại, khốc liệt và ám ảnh hơn bất cứ nơi nào.

Chúng tôi đến thăm bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ vào buổi chiều nên nơi đây khá vắng vẻ, chỉ có mỗi đoàn khách Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Chị thuyết minh viên bảo đoàn cứ lên xem và tự cảm nhận. Ban đầu, tôi đã khá ngạc nhiên khi nghe chị nói vậy. Nhưng cho đến khi được tận mắt nhìn những bức hình thì tôi mới hiểu, có lẽ không cần bất cứ một lời thuyết minh nào, sinh động và chân thực bằng những hình ảnh mà chúng tôi được nhìn thấy ở Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Nó thực sự chân thực, chạm vào nơi nhạy cảm nhất trong trái tim tôi. Một cảm xúc khó diễn tả thành lời.

Đó là hình ảnh chiếc áo với những cánh hoa nhỏ li ti, đẫm máu được ghi là của cháu Trương Thị Hoa, nạn nhân bị lính Mỹ sát hại. Hay một chiếc dép của cháu Trương Thị Khai (4 tuổi), cũng là nạn nhân trong vụ thảm sát Mỹ Lai… Đó là hình ảnh những cụ già sợ hãi, bất lực trước những làn đạn tàn khốc nã vào.

Hơn 500 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về vụ thảm sát gây chấn động địa cầu đang được trưng bày ở Khu chứng tích. Trong số này có nhiều hình ảnh trong cuộc thảm sát do chính phóng viên Ronald Haeberle và lính Mỹ chụp lại cảnh các nạn nhân bị lính Mỹ sát hại, chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người già. Những hình ảnh phản ánh rõ nét, lột tả bản chất tội ác chiến tranh gây chấn động địa cầu của Mỹ gây ra trong thời gian Chiến tranh Việt Nam. 

Đó là buổi sáng ngày 16/3/1968, hàng trăm lính Mỹ đã đổ bộ bằng trực thăng xuống thôn Mỹ Lai. Với phương châm “tàn sát bất cứ thứ gì động đậy”, những gì diễn ra sau đó là một cuộc thảm sát kinh hoàng và ghê rợn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, cướp đi sinh mạng của 504 con người trong vòng 4 giờ đồng hồ, trong đó đa phần là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ.

Theo tài liệu mà tôi đọc được ở Khu chứng tích, ngay cả những người giơ tay đầu hàng từ chỗ ẩn nấp hoặc những tiếng rên cất lên từ các đống xác người cũng bị những lính Mỹ này "giải quyết". Máu chảy thành suối khi chúng dồn năm bảy chục người trên dòng kênh và xả đạn đến nỗi không biết mình đã bắn sót ai không.

Trong nhiều bài học lịch sử được học và tôi vẫn còn nhớ như in lời thầy giáo dạy môn Lịch sử khi nói về sự kiện này đã rất xúc động rằng: “Chiến tranh, dù bất cứ vì lý do gì đó cũng là tội ác”. Câu nói này càng rõ nét hơn khi chúng tôi được tận mắt nhìn những hình ảnh về vụ thảm sát tại Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Ngôi nhà và mảnh vườn của một người dân bị thảm sát ở Mỹ Lai  được phục dựng trong Khu chứng tích.
Ngôi nhà và mảnh vườn của một người dân bị thảm sát ở Mỹ Lai được phục dựng trong Khu chứng tích.

2. Cuốn “Mỹ Lai: Việt Nam, 1968-Nhìn lại cuộc thảm sát” của tác giả Howard Jones-Giáo sư danh dự ngành Lịch sử tại Đại học Alabama (Mỹ), do dịch giả Mạnh Chương chuyển ngữ, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật phát hành đã ghi lại chi tiết về cuộc thảm sát kinh hoàng này. Thông tin cuốn sách này cho biết, ngay sau cuộc thảm sát, các cơ quan quân đội Mỹ ra sức che giấu tin tức về Mỹ Lai bằng các số liệu báo cáo giả, cho đến khi một số người từng có mặt ở hiện trường, đó là phi công trực thăng Hugh Thompson và xạ thủ trực thăng Lawrence Colburn, đã lên tiếng về những gì họ chứng kiến. Trung úy William Calley, chỉ huy Trung đội 1, nhân vật trực tiếp tham gia thú nhận đã nổ súng giết hại rất nhiều dân làng nhưng quả quyết chỉ làm theo lệnh. Đây cũng là lập luận cho hành vi giết người của nhiều binh lính và sĩ quan khác.

Một bài viết kèm theo những hình ảnh chân thực vạch trần vụ thảm sát và sự che đậy từ phía Mỹ của nhà báo Seymour Hersh đã làm dấy lên sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế và từ đó bắt đầu các cuộc điều trần của Quốc hội và quân đội Mỹ. Calley và rất nhiều sĩ quan khác đã bị quy kết phạm tội ác chiến tranh, mặc dù chỉ có Calley bị quản thúc tại gia trong 3 năm rưỡi trước khi hoàn toàn được tự do vào năm 1974.

Nhưng “tòa án lương tâm” thì mãi mãi cắn rứt, ám ảnh họ. "Không có ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì xảy ra ở Mỹ Lai hôm đó", tờ LA Times dẫn lời cựu binh Mỹ William L.Calley, nói khi đưa ra lời xin lỗi muộn màng ngày 19/8/2009 trước thành viên câu lạc bộ Kiwanis Club, bang Georgia.

Đã 56 năm trôi qua, Sơn Mỹ đang hồi sinh mạnh mẽ. Đi giữa hai hàng cau trước ngôi nhà của một người dân bị giặc Mỹ giết hại được phục dựng, khung cảnh thật hiền hòa. Bất chợt tôi nghĩ, hai chữ “hòa bình” đáng giá và đáng quý biết bao nhiêu.

Mỹ Lai, tháng 4/2024

Ghi chép: THẢO PHƯƠNG

 
;
.