.

Chọn trường cho con - khó hay dễ?

Cập nhật: 16:53, 19/04/2024 (GMT+7)

Yêu thương con là lẽ thường tình của các bậc phụ huynh. Đã là con của mình thì mình xem như “núm ruột” của chính mình. Vì thế, một trong những yếu tố để tạo ra gia đình hạnh phúc, còn là lúc cả vợ lẫn chồng đều đồng lòng chăm lo cho con. Có như thế, mới tạo ra niềm vui: “Ba thương con vì con giống mẹ/ Mẹ thương con vì con giống cha/ Cả nhà ta cùng thương yêu nhau/ Xa là nhớ gần nhau là cười”.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Vậy mà có lúc cả nhà gặp nhau nhưng lại… không cười. Dễ dàng nhận ra lúc khi con đã vào tuổi đi học. Có thể nói đay là một bước “trưởng thành” của con. Từ đây, con phải bước vào sự nền nếp, sáng thức dậy nhanh chóng đến trường, chứ không thể “muốn gì được nấy” như trước nữa. Tưởng rằng, chỉ cần bàn bạc là xong, dễ như lật bàn tay. Nói thế là nhầm. Bởi vì đã có không ít cặp vợ chồng đã gấu ó, mặt nặng mày nhẹ chỉ vì không tìm được tiếng nói chung trong việc chọn trường cho con. Sự trái chiều này xẩy ra căn bản nhất vẫn là từ quan niệm của mỗi người trong việc giáo dục con.

Chị bạn tôi đã bước vào trong trường hợp này và kể, đại khái, sau khi nghe bè bạn tâm tình trong hội khoe con trên Facebook, chị nghĩ dù gì con mình cũng như con người ta. Thế là chị thay đổi ý nghĩ đã bàn với chồng là chọn trường gần nhà cho con. Mà, phải học trường nọ, trường kia ở quận X, quận Y thì mới tốt. Tốt như thế nào? Chị không biết rõ cụ thể nhưng thấy nhiều bè bạn cùng chọn nên chị cũng hùa theo. Từ chỗ do “trái tuyến” nên để vào “đúng tuyến” theo quy định quả là câu chuyện không dễ dàng, phải biết “chuyện phải trái” nọ kia lẫn nhờ cậy biết bao nhiều người có vai có vế. Cuối cùng chị toại nguyện. Nhưng rồi sau đó thì sao?

Do trường xa nhà, vì thế lịch làm việc của vợ chồng phải đảo lộn, Thôi thì, vì con phải cố gắng. Dần dà, chị mới nhận ra không chỉ áp lực cho mình mà còn cho con nữa, vì nếu học gần nhà lại vừa “đúng tuyến” thì mọi việc đơn giản lắm. Bé nhóc không phải dậy sớm để… kịp đến trường, riêng điều này, chỉ những ai làm cha mẹ mới cảm thấy thấm thía. Thêm một phút ngủ cho con hết sức có ý nghĩa, bởi phải đánh thức sớm, ngày nao cũng phải nghe câu: “Mẹ ơi cho con ngủ thêm chút xíu nữa”. Xót cả ruột. Đó là chưa kể lúc thời tiết mưa nắng thất thường thì mới oải làm sao. Đón con tan học về nhà, đường xa vời vợi thì quả thật không thỏa mái lắm đâu.

Lúc ấy, người chồng có lời động  viên cũng đỡ, nào ngờ: “Đã nói rồi mà không chịu nghe. Con mình mới tiểu học, trung học chứ có phải học tiến sĩ gì đâu mà mình phải nhọc nhằn đến thế?”. Đúng hay sai? Tôi không bàn nhưng biết rằng, đã có nhiều trường hợp vì việc chọn trường cho con, ngoài đường xa phải đưa đón bất tiện còn phải “cõng” thêm nhiều khoản chi phí khác mà họ không dủ sức “đi đường dài”.

Vợ chồng anh X là một thí dụ mà tôi biết rõ. Rằng trong xu thế đầu tư cho cho bằng trường học tốt nhất, tất nhiên, tốt nhất nhiều người cho rằng phải là trường nước ngoài (!?). Dù biết rằng vào đó thì học phí không hề thấp. Nhiều người vẫn không nề hà, miễn là con mình được học nơi đó. Khác với những ai tài chính dồi dào, có nhiều gia đình chỉ đi nửa đường đành bỏ cuộc. Việc học của con lại có sự thay đổi, không hề có tác động tích cực về tâm lý của đứa trẻ.

Vậy là chuyện đi học của con, từ niềm vui trong nhà lại trở thành “gánh  nặng”. Ai gây ra, chính mình chứ còn ai nữa. Phải thừa nhận dù trái chiều trong việc chọn trường cho con nhưng cả hai đều xuất phát từ lòng thương yêu con.

Cái “mẫu số chung” ấy đã có trong tình cảm của hai người. Vì thế, người ngoài khó có thể góp ý nọ kia, tuy nhiên, chắc mọi người đồng tình rằng: Đây là việc quan trọng trong đời con mình, vì thế, trước lúc quyết định cần có sự bàn bàn, trao đổi một cách thấu đáo nhất.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.