.

Cách chữa trị đục thủy tinh thể

Cập nhật: 16:51, 19/04/2024 (GMT+7)

Hỏi: Tôi 67 tuổi, gần 1 năm nay cả hai mắt tôi mờ dần. Đi khám thì bác sĩ nói tôi bị đục thủy tinh thể và phải mổ. Xin bác sĩ cho biết đục thủy tinh thể là gì và tại sao lại bị? Nếu không mổ thì có cách nào khác để chữa không?

(xuanhoang…@gmail…)

Thủy tinh thể lúc đã bị đục.
Thủy tinh thể lúc đã bị đục.

Trả lời: Đục thủy tinh thể (viết tắt là ĐT3, còn gọi là đục nhân mắt, cườm đá, cườm khô) là nguyên nhân gây giảm thị lực và mù lòa hàng đầu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. ĐT3 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là người trên 50 tuổi, cả nam lẫn nữ.

Ở người, thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, nằm sau mống mắt (hay còn gọi là tròng đen). Nó có chức năng điều tiết ánh sáng đi qua rồi hội tụ tại võng mạc, giúp ta có thể nhìn thấy mọi vật. Nếu vì một vài nguyên nhân nào đó, thủy tinh thể bị mờ, không còn trong suốt, ánh sáng khó đi qua, không hội tụ được tại võng mạc, mắt không còn nhìn thấy rõ, kể cả nhìn gần hay nhìn xa.

Các nguyên nhân gây ĐT3 gồm: Do bẩm sinh liên quan tới các rối loạn yếu tố di truyền, do quá trình lão hóa tự nhiên, thường gặp ở người trên 50 tuổi, mắc các bệnh về mắt như viêm màng bồ đào, thường xuyên sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng tới mắt như corticoid, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, các thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống trầm cảm..., người bị tiểu đường, cao huyết áp, béo phì..., người thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời, tia hàn điện hoặc các ánh sáng có cường độ mạnh…

ĐT3 diễn tiến rất chậm, giai đoạn đầu mắt vẫn bình thường, không đau đớn hay khó chịu. Khi đã bị nặng, người bệnh nhìn mờ như có một màn sương che trước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, hay bị lóa mắt, nhìn 1 thành 2, xảy ra ở 1 bên hoặc ở cả 2 mắt. Nếu dùng 1 cây đèn pin nhỏ soi vào mắt, sẽ thấy ở giữa tròng đen là một hình tròn màu trắng đục.

Để điều trị, chỉ có một phương pháp duy nhất là mổ lấy thủy tinh thể đã bị đục rồi thay bằng thủy tinh thể nhân tạo. Trước khi mổ, người bệnh sẽ được đo thị lực để đánh giá mức độ ĐT3. Nếu kết quả đo từ 5/10 trở lên thì mổ là phương pháp tốt nhất nhằm tránh mù lòa vĩnh viễn.

Hiện tại, các khoa Mắt ở các bệnh viện tại nước ta đang áp dụng 3 kỹ thuật mổ ĐT3. Đó là phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm (thường gọi là Phaco), phẫu thuật thủy tinh thể trong bao và phẫu thuật thủy tinh thể ngoài bao. Tùy vào kết quả thăm khám, bác sĩ quyết định bệnh nhân sẽ được mổ theo kỹ thuật nào. Mỗi ca mổ chỉ kéo dài khoảng 10 hoặc 15 phút, người bệnh không phải nằm lại bệnh viện.

Vì vậy, ông nên đến các cơ sở y tế địa phương, nơi có khoa Mắt để được thăm khám. Nếu bác sĩ xác định bị ĐT3 và phải mổ thì ông sẽ được hẹn ngày phẫu thuật vì ngoài mổ thay thủy tinh thể nhân tạo, không có cách nào khác để trả lại thị lực cho ông như người bình thường.

Bác sĩ PHAN HOÀNG HẬU

.
.
.