Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 - Bài 2: Chọn ngành học đón đầu xu thế

Thứ Ba, 05/03/2024, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Chọn ngành học đón đầu xu thế được coi là chìa khoá để mở ra cơ hội việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp. Các chuyên gia về tuyển sinh, hướng nghiệp khẳng định, trong tương lai, các ngành tích hợp, “cộng hưởng” kỹ năng của nhiều lĩnh vực sẽ tạo sự an toàn cho người học.

HS Trường THPT Vũng Tàu tham dự chương trình chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức.
HS Trường THPT Vũng Tàu tham dự chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức.

Ngành nghề “cộng hưởng” 

Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, nhiều HS quan tâm tới cơ hội việc làm của các ngành nghề cũng như những ngành hấp dẫn trong 5-10 năm tới.

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết HS, phụ huynh đều muốn chọn ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội để có cơ hội việc làm rộng mở. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và thế giới hiện nay, rất khó để đưa ra dự báo chính xác cho một vài năm tới ngành nghề nào sẽ có cơ hội việc làm nhiều nhất. 

TS. Vũ Xuân Hướng, Trưởng Khoa Ngoại ngữ - Khoa học xã hội, Trưởng ngành Tâm lý học (Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu) tư vấn, định hướng ngành nghề cho HS Trường THPT Trần Phú (huyện Châu Đức) trong chương trình
TS. Vũ Xuân Hướng, Trưởng Khoa Ngoại ngữ - Khoa học xã hội, Trưởng ngành Tâm lý học (Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu) tư vấn, định hướng ngành nghề cho HS Trường THPT Trần Phú (huyện Châu Đức) trong chương trình "Đánh thức khát vọng và định hướng nghề nghiệp".

Theo ông Bảo, xu hướng đào tạo hiện nay có tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và đa lĩnh vực. Cho nên những ngành nghề nào có kiến thức “cộng hưởng” về kỹ năng của nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ tạo ra sự an toàn cho người sở hữu tấm bằng ĐH tương lai. Xu hướng hiện nay là kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán kinh tế truyền thống.

“Các bạn nên chọn những ngành nghề có tính "cộng hưởng", kết hợp đón đầu xu hướng bùng nổ công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, SV cần có ý thức tự học, tự nghiên cứu để thay đổi, nâng cấp bản thân để tấm bằng ĐH của mình không cũ kỹ, lạc hậu, dù nền kinh tế phát triển thế nào", ông Bảo nhấn mạnh.

Tìm hiểu kỹ ngành học mới

Các em HS nếu có hứng thú với các ngành mới thì cần tìm hiểu thật kỹ về chương trình đào tạo cũng như các tiêu chí, yêu cầu của ngành học. Không nên chọn ngành học chỉ bằng sự hấp dẫn của tên gọi mà không hiểu rõ về ngành. Một cơ sở giáo dục uy tín cũng sẽ là sự bảo đảm tốt hơn với những ngành học mới.

(GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh)

Còn đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, theo thống kê, có đến 40% DN công nghệ thông tin thừa nhận đang rất khó khăn trong tìm kiếm nhân sự. Đặc biệt là trong các mảng quản lý, giám sát và kiến trúc hệ thống, dù mức thu nhập cho nhân sự lĩnh vực này cao hơn mặt bằng chung các ngành khác khá nhiều.

Viện Nghiên cứu chiến lược thông tin và truyền thông cũng dự báo tỷ lệ đóng góp của mạng di động 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,34% vào năm 2025. Những lĩnh vực khác như công nghệ AI, phần mềm, an ninh mạng đến 2030 cũng sẽ tăng lên, hứa hẹn kéo theo hàng loạt vị trí tuyển dụng hấp dẫn dành cho giới trẻ.

Ngoài ra, một số ngành học truyền thống như: truyền thông, marketing, thương mại, quan hệ công chúng... vốn đã hút thí sinh bởi cơ hội việc làm đa dạng. Để kiếm việc, giúp người lao động đổi mới liên tục thì ngày nay, trước sự bùng nổ của công nghệ, nhóm ngành này cũng có thêm tiềm lực phát triển, thậm chí vượt xa ngành gốc về mức lương, cơ hội việc làm, khả năng thăng tiến, khởi nghiệp.

TS. Lê Thị Thanh Mai, nguyên Trưởng Ban Công tác SV, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tư vấn cho HS lớp 12 Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu).
TS. Lê Thị Thanh Mai, nguyên Trưởng Ban Công tác SV, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tư vấn cho HS lớp 12 Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu).

Tìm cơ hội việc làm trên quê hương

Bên cạnh việc tìm hiểu xu hướng chung về nguồn nhân lực, các chuyên gia cũng khuyên HS, phụ huynh tìm hiểu kỹ định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ngay tại nơi mình sinh sống.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng trở thành 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia. Vì vậy, trong các chương trình tư vấn, lĩnh vực logistics thu hút sự quan tâm của đông đảo HS. “Em muốn làm việc trong ngành logistics thì có nhất thiết phải học đúng ngành này hay không, cơ hội việc làm trong những năm tới ra sao?”, Nguyễn Xuân Khoa, HS lớp 12D4 Trường THPT Vũng Tàu đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi trên tại chương trình Tư vấn mùa thi 2024 do Báo Thành niên phối hợp với Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Vũng Tàu, TS.Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có đầy đủ tiềm năng phát triển ngành logistics. Đây là một lĩnh vực hợp xu thế và mang tính tất yếu. Tuy nhiên, chuỗi dịch vụ logistics là một lĩnh vực rộng lớn, có nhiều vị trí việc làm. Không phải chỉ học ngành logistics mới có cơ hội việc làm. Để phục vụ lĩnh vực này thì việc đầu tiên phải được đào tạo. Trong thời đại 4.0, nếu không qua đào tạo, người lao động sẽ không có cơ hội tìm được vị trí việc làm trong chuỗi trình độ công nghệ cao.

Nỗ lực để trở thành nhân sự "hot"

Không có ngành nghề nào "hot" mãi mãi. Chỉ có bản thân các em phải luôn nỗ lực để trở thành nhân sự "hot" trong ngành nghề mình lựa chọn để gắn bó mà thôi!.

(TS.Võ Minh Hùng, Viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH và Phát triển nguồn nhân lực, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu)

TS.Nguyễn Trung Nhân khẳng định: "Muốn làm việc trong lĩnh vực logistics không nhất thiết phải học ngành logistics. HS đổ xô vào học ngành này dễn đến logistics trở thành ngành "nóng", điểm chuẩn khá cao, cạnh tranh gay gắt. Trong khi thực tế là học các ngành về điện, kỹ thuật cơ khí, kế toán, kiểm toán, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh… đều có cơ hội việc làm trong chuỗi dịch vụ logistics. Vấn đề quan trọng ở đây là các em có năng lực để làm việc và làm được ở vị trí tốt hay không mà thôi!”.

Còn TS.Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing cho hay, theo Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam, Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh Việt Nam của Bà Rịa-Vũng Tàu ở hạng 4 cùng với Hà Nội. Nhu cầu nhân lực ngành này vẫn rất cao, trong khi khả năng đáp ứng tại địa phương còn hạn chế.

HS Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) quét mã QR thông tin tuyển sinh của trường ĐH trong chương trình “Đúng ngành nghề, sáng tương lai”.
HS Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) quét mã QR thông tin tuyển sinh của trường ĐH trong chương trình “Đúng ngành nghề, sáng tương lai”.

Hiện nay, logistics xanh là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản thế mạnh ra thị trường thế giới. Do đó, không chỉ riêng ngành logistics mà các ngành kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu, chế biến… cũng đều có thể tham gia vào lĩnh vực này để nguồn cung ứng không bị đứt gãy. Hiểu được điều này, HS có thể tìm cơ hội phát triển ngay trên quê hương mình.

Mở rộng thêm góc nhìn về nghề nghiệp, TS.Nguyễn Văn Khả, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công Thương TP.Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Dù theo đuổi ngành kỹ thuật hay kinh tế, ở bất kỳ ngành nghề nào, muốn có được cơ hội việc làm tốt thì trước hết phải vững kiến thức chuyên môn. Thêm vào đó là kỹ năng ngoại ngữ cùng các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm để bổ sung cho kiến thức chuyên môn”.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 

;
.