.

Sức hút từ các kỳ thi đánh giá năng lực

Cập nhật: 17:41, 13/03/2024 (GMT+7)

Năm 2024 có 9 ĐH, trường ĐH tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Hàng trăm trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của các kỳ thi này để xét tuyển. Con đường tới giảng đường ĐH rộng mở hơn, kéo theo số lượng HS tham dự kỳ thi đặc biệt này cũng ngày càng tăng.

Năm 2024, có 93% HS lớp 12 Trường THPT Châu Thành tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.
Năm 2024, có 93% HS lớp 12 Trường THPT Châu Thành tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.

94.315 thí sinh xác nhận dự thi

Năm 2024 là năm cuối cùng thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ được điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Vì thế, việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều thí sinh nhằm tăng cơ hội trúng tuyển ĐH.

Năm nay, sức hút của Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tiếp tục tăng lên khi số thí sinh đăng ký dự thi năm sau luôn vượt năm trước. Theo Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, kết thúc thời hạn đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 có 96.070 thí sinh, với 94.315 thí sinh xác nhận dự thi. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2018 khi lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức và vượt qua con số gần 90 ngàn thí sinh dự thi cùng kỳ năm ngoái.

Trong đợt 1 này, riêng Bà Rịa-Vũng Tàu xếp vị trí thứ 8 về số lượng đăng ký tính theo địa phương với 2.997 thí sinh đăng ký, tăng gần 300 em so với năm trước. Tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi lên tới trên 90%.

Các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực hay thi tốt nghiệp THPT đều bám sát nội dung chương trình phổ thông mà HS đã được học. Để đáp ứng tốt các kỳ thi, các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản của các môn học ở bậc phổ thông và đảm bảo không học lệch mà dành thời gian đều cho việc học và ôn tập tất cả các môn học. Để không quá tải, các em nên nắm chắc kiến thức cơ bản ngay trong quá trình học.
(PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD-ĐT)

Ông Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) cho hay, đến thời điểm này, có tới 93% HS lớp 12 của trường đăng ký tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, chủ yếu là kỳ thi của ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, có một vài HS tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh và Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Ông Lâm nhận định, các kỳ thi này giúp HS “rộng đường vào ĐH”. Đặc biệt là trong bối cảnh năm nay là năm cuối cùng thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Năm 2023, đã có tới 95,7% HS lớp 12 của trường đậu ĐH ngay đợt đầu xét tuyển bằng nhiều phương thức, trong đó phải kể tới phương thức xét kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực.

Còn bà Trần Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP.Vũng Tàu) cho biết, dù là kỳ thi để tuyển sinh cho các trường ĐH “tốp trên”, song, những năm gần đây, tỷ lệ HS của trường đăng ký dự thi cũng ở mức ổn định (khoảng hơn 60%), chủ yếu là HS có học lực khá, giỏi. Tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn, hiện đã có hơn 100/550 HS lớp 12 đăng ký thi đánh giá năng lực. Các đợt tiếp theo, con số này là khoảng 250 em.

“Đây là các kỳ thi đáng tin cậy, giúp các em đánh giá được năng lực bản thân một cách toàn diện hơn. Bởi đề thi yêu cầu HS phải có kiến thức tổng hợp của nhiều bộ môn, lĩnh vực. Tham dự các kỳ thi này, các em có cơ hội cao hơn khi đăng ký xét tuyển vào những trường khó, ngành khó mà không phụ thuộc nhiều vào kết quả thi tốt nghiệp THPT”, bà Thu nhấn mạnh.

Từng bước tác động đến dạy và học

Ông Hồ Sĩ Nhật Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) nhận định, kỳ thi đánh giá năng lực đang từng bước tác động đến việc dạy và học của thầy, trò trong các trường THPT. Các kỳ thi đánh giá năng lực đã và đang khiến cho kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn được xem trọng như trước. Bởi khi đạt kết quả cao ở kỳ thi đánh giá năng lực, nhiều HS buông lỏng việc học, học chỉ để đủ đậu tốt nghiệp chứ không cố gắng, nỗ lực như trước. Từ đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT không còn đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các nhà trường.

Ông Nam cho biết thêm, không ít trường hợp, HS xin nghỉ ôn thi tốt nghiệp THPT hoặc xao nhãng việc ôn tập gây ảnh hưởng đến nề nếp dạy học và công tác quản lý của các nhà trường. Chưa kể tới việc kiến thức trong đề thi đánh giá năng lực tương đối rộng, ít câu hỏi chuyên sâu nên HS không có nhu cầu đào sâu kiến thức với những bài tập khó. Điều này gây ra những ảnh hưởng nhất định cho GV trong quá trình giảng dạy. Đồng thời chất lượng các kỳ thi Olympic, HS giỏi các bộ môn văn hóa cũng bị ảnh hưởng phần nào.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho biết, hiện nay, nhà trường tổ chức ôn tập kiến thức cho các bộ môn thi tốt nghiệp THPT chứ không tổ chức ôn luyện riêng cho kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, để các em HS đạt được kết quả tốt nhất với phương thức tuyển sinh sớm này, nhà trường đã cung cấp đề tham khảo, đáp án cho các em HS.

Đồng thời, chỉ đạo tổ chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các em ở những câu hỏi thuộc bộ môn của mình. Sau khi Sở GD-ĐT công bố lịch thi thử, nhà trường cũng đã điều chỉnh lịch kiểm tra giữa học kỳ 2 để tạo điều kiện cho HS ôn thi thử và ôn thi đánh giá năng lực thuận lợi hơn. "HS cần phân bố thời gian ôn tập hợp lý để có thể ôn luyện được kiến thức chung của các kỳ thi và mở rộng thêm các lĩnh vực khác để có kiến thức toàn diện thì mới có thể đạt được kết quả tốt nhất", ông Lâm lưu ý.

Em Nguyễn Minh Triết, HS lớp 12A1, Trường THPT Châu Thành chia sẻ: “Em đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh để xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh, Học viện ngoại giao và ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Đây chỉ là một trong những phương thức xét tuyển, bên cạnh phương thức xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT nên em chuẩn bị cho kỳ thi với tâm lý rất thoải mái. Tuy nhiên, nhiều bạn của em đã đăng ký các khóa luyện thi online để chuẩn bị cho kỳ thi này”.

Tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn, nhà trường đã bố trí, sắp xếp tăng tiết ôn tập từ ngày 1/4 để HS tăng tốc, chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi, bao gồm cả thi đánh giá năng lực. Nhà trường còn tổ chức xe đưa đón cho những HS đăng ký dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Cũng như các trường THPT trên địa bàn tỉnh, Trường THPT Trần Nguyên Hãn không tổ chức ôn tập riêng cho kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, bà Trần Thị Thu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, với trào lưu thi đánh giá năng lực ngày càng rầm rộ, nhiều trung tâm luyện thi đã ra đời, có thể gây ra băn khoăn về chất lượng ôn luyện cũng như việc tạo thêm áp lực học tập cho HS.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.