Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư là bệnh gây tử vong đứng hàng thứ 2 trên toàn cầu chỉ sau bệnh tim mạch. Phần lớn những người mắc bệnh ung thư đều không hay biết khi bệnh mới chỉ ở giai đoạn đầu nên vì thế, việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn, lắm khi là không thể.
Ung thư lưỡi khi đã phát triển. |
Ung thư là gì?
Ung thư là tập hợp các phát triển bất thường của tế bào, có khả năng xâm nhập (di căn) đến các bộ phận khác qua hạch bạch huyết rồi trở thành khối u.
Trong cơ thể, các tế bào ở cùng một bộ phận, chẳng hạn như gan, xương, da, ruột…, đều có chức năng cụ thể và tuổi thọ nhất định. Điều này được quyết định bởi DNA (phân tử chứa thông tin di truyền) gồm nhiều gen riêng lẻ, mỗi gen chứa một bộ hướng dẫn cho tế bào biết phải thực hiện chức năng gì, cũng như cách phát triển và phân chia. Sau một thời gian, tế bào sẽ chết và cơ thể sẽ thay nó bằng những tế bào mới. Tuy nhiên, nếu một hay nhiều tế bào nào đó không nhận được lệnh chết, nó sẽ tiếp tục phát triển và phân chia nhưng không theo nguyên mẫu và đó chính là tế bào ung thư. Khi ấy, oxy và các chất dinh dưỡng sẽ nuôi nó như nuôi những tế bào bình thường khác.
Có hơn 100 loại ung thư khác nhau, thường được gọi theo bộ phận mà nó phát sinh, thí dụ ung thư phổi phát sinh từ tế bào phổi, ung thư đại tràng phát sinh từ tế bào đại tràng. Nó cũng có thể được gọi theo loại tế bào hình thành ra nó như ung thư biểu mô (carcinoma), ung thư mô liên kết (sarcoma). Điều nguy hiểm là tế bào ung thư có khả năng trở nên “vô hình” với hệ miễn dịch của cơ thể (là hệ thống làm nhiệm vụ loại bỏ và tiêu diệt các tế bào bị tổn thương hoặc các tế bào phát triển bất thường).
Các triệu chứng
Ở giai đoạn sớm, rất khó nhận biết những dấu hiệu đặc trưng của bệnh ung thư. Tuy nhiên, một số thay đổi có thể giúp chúng ta đặt dấu hỏi về sức khoẻ của mình, bao gồm thường xuyên mệt mỏi, thay đổi cân nặng bất thường, màu sắc da trở nên vàng, sạm hoặc đỏ, da nổi nhiều đốm đỏ nhưng không ngứa như bị dị ứng, đặc biệt là ở vùng ngực dưới cổ, chảy máu hoặc bầm tím nhiều nơi trên da dù không bị chấn thương, nốt ruồi trở nên sần sùi, ngứa hoặc chảy máu, ho dai dẳng, khó thở, khàn tiếng kéo dài, khó nuốt, lập đi lập lại chứng khó tiêu hoặc ấm ách trong bụng sau khi ăn, đau cơ hoặc đau khớp không phải do chấn thương, viêm khớp hoặc do thay đổi thời tiết.
Nguyên nhân
Ngoài đột biến DNA, phần lớn bệnh ung thư là do lối sống, chẳng hạn như hút thuốc lá, đặc biệt là với những người mỗi ngày hút trên 1 gói (ngay cả khi bạn không hút thuốc, bạn vẫn có thể hít phải khói thuốc nếu bạn có mặt ở chỗ người khác đang hút, nhất là trong phòng kín hoặc bạn sống với người hút thuốc), thường xuyên uống nhiều hơn 1 ly rượu (khoảng 15ml) từ 40 độ trở lên mỗi ngày đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi, hoặc hơn 3 ly mỗi ngày đối với nam giới dưới 65 tuổi, nhất là uống vào lúc đói, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, ăn những loại thực phẩm đã bị mốc, những loại thực phẩm còn tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, những loại thực phẩm bảo quản bằng hoá chất đã bị cấm sử dụng…
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, ung thư còn có thể do di truyền bởi lẽ trong một số trường hợp, đột biến DNA được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia. Một số bệnh mạn tính cũng có thể chuyển thành ung thư như viêm loét dạ dày, thực quản, viêm họng, phì đại tiền liệt tuyến, polyp trực tràng… Ngoài ra, ô nhiễm môi trường và một số nghề nghiệp cũng có khả năng dẫn đến ung thư, chẳng hạn như sản xuất, tái chế bình ắc quy, dệt vải, chế biến bông vải, những công việc thường xuyên tiếp xúc với bụi mịn (thí dụ như làm đá mỹ nghệ), với chất amiăng (có trong tôn fribo xi măng lợp nhà, tấm chống cháy), pha chế sơn với dung môi benzene… mà không đề phòng, không có những trang bị bảo hộ thích hợp.
Ung thư phát triển như thế nào?
Khác với u lành tính, chỉ phát triển đến một mức độ nào đó còn u ác tính (ung thư) thì không có giới hạn. Tế bào ung thư khi tăng trưởng quá mức sẽ dẫn đến chèn ép, gây tổn thương những tế bào lân cận. Nó sẽ không dừng lại cho đến khi không còn gì để tiêu diệt rồi cuối cùng, nó di căn sang những bộ phận khác, có thể ở gần hoặc ở xa, chẳng hạn như ung thư cử cung di căn lên dạ dày, hoặc ung thư tiền liệt tuyến di căn sang bàng quang (bọng đái).
Điều trị và phòng ngừa ung thư
Tuỳ theo từng loại ung thư, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị, chẳng hạn như hóa trị nhằm mục đích tiêu diệt tế bào ung thư bằng thuốc, nhắm đến các tế bào đang phân chia bất thường. Bác sĩ cũng có thể áp dụng phương pháp xạ trị bằng cách sử dụng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, hoặc để thu nhỏ khối u trước khi mổ, hoặc giảm các triệu chứng liên quan đến khối u. Gần đây, y học có cách tiếp cận mới, thông qua việc sử dụng xét nghiệm di truyền để xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho người mắc bệnh ung thư. Bên cạnh đó, còn có liệu pháp miễn dịch nhằm tăng cường hệ miễn dịch để tự nó chống lại tế bào ung thư hoặc ghép tế bào gốc.
Về phòng ngừa, nói chung không có phương pháp nào là tuyệt đối nhưng hoàn toàn có thể đề phòng bằng cách hạn chế tiếp xúc với những nguyên nhân như đã nói ở trên, thực hiện đúng các quy định về bảo hộ với những công việc độc hại, ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, kiểm tra sức khoẻ ngay khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu lạ hoặc tầm soát ung thư định kỳ hàng năm vì nếu phát hiện ung thư khi nó mới bắt đầu, cơ hội chữa lành hoặc kéo dài cuộc sống là điều hoàn toàn có thể.
Cuối cùng, một vấn đề cũng cần lưu ý. Đó là trong dịp Tết, nhiều gia đình thường mua những loại cây kiểng về trưng bày (quất, quýt, cam, hoa cúc…) rồi khi hết Tết, nó lại dùng để ăn hoặc nấu uống như uống trà. Đây là điều rất nguy hiểm vì nhằm bảo quản cho cây trái tươi lâu, không héo, nhũn, nhà vườn sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chất chống rụng lá, thuốc trừ sâu, côn trùng…, với liều lượng cao hơn bình thường. Khi ăn vào, các chất này sẽ tích luỹ trong cơ thể, trở thành một trong những mầm mống gây ra đột biến tế bào…
Bs CAO HỮU TRÍ
(BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)