.

Hộp thư cảm xúc - Góc chia sẻ, gỡ rối cho các cô cậu học trò

Cập nhật: 18:43, 02/01/2024 (GMT+7)

Độ tuổi trăng tròn, các cô cậu học trò đang dần hoàn thiện về nhân cách và có rất nhiều cảm xúc. Chính vì vậy có một góc để các em trải lòng, giải đáp những thắc mắc trong học tập, mối quan hệ trong cuộc sống là rất cần thiết. “Hộp thư cảm xúc” do Trường THPT Phú Mỹ thực hiện từ đầu năm học này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Các thành viên mô hình
Các thành viên mô hình "Hộp thư cảm xúc" trao đổi, giúp HS tháo gỡ vướng mắc các bạn đang gặp phải.

Nơi chia sẻ tâm tư

Từ ý tưởng và đề xuất của một nhóm HS đang theo học tại trường, từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, mô hình “Hộp thư cảm xúc” đã được Trường THPT Phú Mỹ  (TX.Phú Mỹ) triển khai thực hiện. Mô hình gồm những hộp thư được đặt trước các lớp học. Bất cứ HS nào cũng có thể tham gia bằng cách gửi những lá thư tay vào hộp thư, hoặc viết những dòng tin nhắn, thư thoại gửi riêng cho các thành viên chủ chốt của mô hình. Vào ngày cuối tuần, các em sẽ có một buổi gặp gỡ trực tiếp để cùng trò chuyện, chia sẻ với nhau về những vấn đề các bạn quan tâm.

Hà Thị Cẩm Thanh (HS lớp 11) đồng sáng lập dự án “Hộp thư cảm xúc” chia sẻ: “Ở tuổi 16, 17, 18 là độ tuổi khá đặc biệt, đang hoàn thiện nhân cách và phát triển mạnh về mặt cảm xúc, nhiều bạn sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Nhiều bạn không dám tỏ bày với người lớn hoặc do áp lực từ việc học hành mà có suy nghĩ tiêu cực. Xuất phát từ mục đích làm cầu nối giúp các bạn tháo gỡ tâm tư của tuổi mới lớn nên chúng em đã đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường để thành lập và đưa mô hình vào hoạt động”.

Còn HS Trần Ngọc Minh Anh (HS lớp 11-cũng là đồng sáng lập mô hình) cho biết thêm, khi trở thành nơi chia sẻ tâm tư, mô hình đã trở thành “một phương thuốc chữa lành” cho nhiều bạn HS tại trường. Sau những chia sẻ, đồng cảm và cùng ngồi tháo gỡ vướng mắc, các bạn cảm nhận được sự quan tâm từ những người chung quanh để học tập tốt hơn.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 278 trường học có tổ chức Đoàn, Đội. 100% tổ chức Đoàn, Đội đã thành lập và duy trì nhiều mô hình tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên như: Hòm thư “Điều em muốn nói”, “Hộp thư cảm xúc”, Tổ tư vấn tâm lý tại trường, các CLB đội-nhóm…

 

Tích cực hơn mỗi ngày

Với cách làm đơn giản, thiết thực, phù hợp nên chỉ sau thời gian ngắn triển khai, mô hình “Hộp thư cảm xúc” đã nhận được hơn 300 lá thư giãi bày cảm xúc về nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ: bạn bè, thầy trò, gia đình… Hầu hết các vấn đề này được thành viên quản trị mô hình trao đổi, chia sẻ giúp các bạn tháo gỡ vướng mắc. Những vấn đề ngoài tầm giải quyết, Đoàn Trường THPT Phú Mỹ chuyển đến Ban Giám hiệu, phụ huynh hoặc ngành chức năng để cùng tìm giải pháp hỗ trợ.

Phan Hải Nhật Vi (HS lớp 10) bày tỏ: “Những lúc em ngại ngùng không dám chia sẻ với ba mẹ, thầy cô vì cho rằng có sự khác biệt thế hệ thì em có một nơi để nói ra những nỗi niềm của mình đó là hộp thư. Ở đây em có cảm giác được lắng nghe. Nhờ mô hình mà em mở lòng mình hơn và dần thu hẹp khoảng cách với bạn bè, gia đình, thầy cô”.

Các thành viên mô hình “Hộp thư cảm xúc” cũng thường xuyên phối kết hợp với các CLB kỹ năng, năng khiếu của trường để tổ chức các buổi trải nghiệm, sân chơi cuối tuần, giúp HS trong trường có thêm các hoạt động giải trí, từ đó giải tỏa bớt căng thẳng, áp lực trong việc học lẫn trong cuộc sống.

Lê Trần Kim Ngân, Chủ nhiệm CLB vẽ, HS Trường THPT Phú Mỹ nói: “Mỗi ngày các bạn đều trải qua những áp lực từ học hành, những mâu thuẫn từ mối quan hệ bạn bè, gia đình và những người chung quanh. Nếu không được giải tỏa sẽ tạo ra sức nặng tâm lý lớn và hầu như nhiều bạn không nhận thấy điều đó. CLB tạo ra những buổi workshop vẽ tranh về các chủ đề yêu thích với hy vọng qua những nét vẽ, các bạn gửi gắm tâm sự giúp chữa lành tâm hồn”.

Việc kết nối của CLB với mô hình cũng đã thu hút thêm nhiều bạn tham gia vẽ, giao lưu để chữa lành, cân bằng cảm xúc, giảm bớt căng thẳng.

Từ hiệu quả thiết thực của mô hình “Hộp thư cảm xúc”, Thị Đoàn Phú Mỹ đang nghiên cứu nhân rộng đến các trường học trên địa bàn, nhằm tạo “cầu nối” sẻ chia tâm tư, tình cảm cho HS. Từ đó giúp các tổ chức Đoàn, Đội nắm bắt và có giải pháp can thiệp hữu ích, kịp thời đối với các vấn đề của thanh thiếu niên, qua đó tránh những hệ luỵ đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
.
.
.