Hỏi: Tôi năm nay 45 tuổi, ít uống rượu bia, không hút thuốc nhưng thời gian gần đây, hễ đói thì tôi có cảm giác xót trong bụng nhưng ăn vào thì hết. Vậy xin bác sĩ cho biết tôi bị bệnh gì, có phải rối loạn tiêu hóa không và nên chữa trị như thế nào?
(limo...@hotmail.com)
Trả lời: Qua những gì ông viết trong thư, cảm nghĩ của tôi là có thể ông đã bị viêm dạ dày tá tràng. Nó biểu hiện bằng một câu nói quen thuộc trong dân gian: “Đói đau, no đỡ”.
Viêm dạ dày tá tràng là bệnh xảy ra do sự tổn thương của lớp niêm mạc dạ dày. Nếu nhẹ, nó biểu hiện bằng cơn xót kéo dài bởi lẽ khi đói, sự tăng tiết a xít tiêu hóa trong dịch dạ dày sẽ làm cho người bệnh có cảm giác xót nhưng khi ăn vào, đặc biệt là uống sữa, axit bị trung hòa nên người bệnh thấy hết xót ngay. Nếu nặng, người bệnh đau ở vùng thượng vị, ăn mau no, ấm ách, khó chịu sau khi ăn, ợ hơi, ợ chua và đầy bụng.
Viêm dạ dày tá tràng được chia thành 2 dạng là viêm cấp tính và viêm mạn tính. Viêm cấp tính xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn đến xung huyết, xuất huyết trên thành niêm mạc mà nguyên nhân phần lớn là do uống một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm lúc bụng đói như Aspirin, Diclofenac, Dexamethasone, Prednisolone… hoặc uống mật gấu, mật cá, mật rắn. Khi ấy người bệnh có cảm giác đau như bị dao đâm, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là chảy máu dạ dày. Tùy theo lượng máu chảy nhiều hay ít, người bệnh thấy mệt hoặc mệt lả, huyết áp tụt, bụng đau, chướng, đi cầu phân có màu đen. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.
Với viêm mạn tính, đây là hậu quả của tình trạng viêm kéo dài nhưng không điều trị hoặc điều trị nửa vời, nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Thói quen ăn uống cũng là một trong những lý do gây viêm mạn tính, chẳng hạn như ăn không đúng bữa, bỏ bữa, ăn nhiều thức ăn cay, nóng, thức ăn còn tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thường xuyên uống bia, rượu với số lượng nhiều.
Cơn đau mạn tính thường âm ỉ và rất khó chịu, người bệnh hầu như không còn động lực để làm việc, kể cả với những việc nhẹ. Bên cạnh đó, viêm dạ dày tá tràng mạn tính còn có thể biệt hóa thành ung thư dạ dày.
Vì vậy, ông nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, làm xét nghiệm như chụp X quang, nội soi dạ dày nhằm đánh giá tình trạng bệnh lý để được điều trị đúng bệnh, đúng thuốc. Không tự ý chữa trị theo lối truyền khẩu bởi lẽ thuốc trị viêm dạ dày của người này chưa hẳn đã phù hợp bệnh trạng của người kia.
Bs TRẦN VĂN PHƯƠNG