Túi mật, có nên cắt bỏ khi bị viêm

Thứ Sáu, 15/12/2023, 14:40 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi năm nay 64 tuổi, bị tiểu đường đã 10 năm. 3 ngày gần đây tôi thỉnh thoảng đau nhói ở phía trên bên phải bụng, kèm theo đau lưng và bên dưới xương bả vai phải và cũng có lúc tôi thấy buồn nôn, đầy hơi, tròng mắt có màu hơi vàng. Tôi đã ra tiệm thuốc tây và được bán một số thuốc trị rối loạn tiêu hóa, uống vào thấy đỡ nhưng chỉ khoảng nửa ngày là các triệu chứng nói trên lại xuất hiện. Xin bác sĩ cho biết tôi bị bệnh gì và nên chữa như thế nào?

(Tiến Giang, P.8, TP.Vũng Tàu)

Trả lời: Qua những gì bác đã mô tả trong thư, có khả năng là bác đã bị viêm túi mật. Bệnh thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi, béo mập, đã mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận giai đoạn cuối, hoặc bệnh tim, hoặc tăng mỡ máu...

Các nguyên nhân gây ra viêm túi mật bao gồm viêm cấp tính do sỏi, chiếm 90% và thường kèm theo nhiễm trùng. Nếu không phát hiện và điều trị, dịch mật có thể thấm ra ngoài thành túi mật, lan ra các cơ quan xung quanh, dẫn đến viêm màng bụng (phúc mạc).

Nếu người bị viêm túi mật tự ý mua thuốc về uống hoặc nhân viên nhà thuốc (không phải là dược sĩ), bán thuốc theo lời khai của người bệnh thì bệnh sẽ lập đi lập lại rồi trở thành viêm mãn tính, nguyên nhân chính cũng là sỏi. Viêm túi mật mãn tính có thể có rất ít triệu chứng, chẳng hạn như chỉ đau nhói ở phía trên bên phải bụng (hạ sườn phải), có hoặc không kèm theo dấu hiệu vàng mắt, vàng da nhưng cũng có thể xuất hiện các hiện tượng như bác đã nêu trong thư.

Nguyên nhân thứ 3 là viêm túi mật không do sỏi nhưng lại là trường hợp nặng vì nó liên quan trực tiếp đến một số các bệnh khác mà cơ thể đã mắc phải, chẳng hạn như viêm mạch máu, ung thư, bị chấn thương hoặc sau mổ xẻ, hoặc có khối u chặn đường đi của dịch mật.

Vì thế, bác nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán như thử máu, siêu âm, chụp X quang, chụp CT.  Nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ cho bác chụp xạ hình gan mật, hoặc chụp đường mật xuyên da, hoặc chụp ngược dòng qua nội soi. Khi đã xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh lý, bác có thể sẽ được điều trị nội khoa (uống, tiêm thuốc) hoặc điều trị ngoại khoa (mổ cắt bỏ túi mật hoặc mổ lấy sỏi, mổ dẫn lưu túi mật).

Nếu phải cắt bỏ túi mật, mật sẽ chảy trực tiếp từ gan vào ruột non nên sau đó, việc tiêu hóa thức ăn vẫn diễn ra bình thường.

ThS, Bs CAO HỮU TRÍ (BV Nguyễn Tri Phương)

;
.