Miền biển Bà Rịa-Vũng Tàu mùa này thật đẹp, khi mặt trời chưa ló rạng thì cuộc sống mưu sinh ở biển bắt đầu diễn ra lặng lẽ với những dáng người lom khom làm nghề cào ốc ruốc. Nghề này, tuy phải đi giật lùi, mò mẫm nơi chân sóng, thế nhưng ở họ luôn tràn đầy hy vọng về một ngày cuộc sống sẽ đổi thay vươn mình về phía trước.
Những ngày qua, dọc các bãi biển ở TP.Vũng Tàu luôn nhộn nhịp cảnh các ngư dân đi cào ốc ruốc. |
Níu giữ chân khách
Loài sinh vật biển này còn được gọi là ốc lể, ốc gạo, kích thước nhỏ khoảng bằng khuy áo, vỏ láng bóng, nhiều màu sắc sặc sỡ óng ánh rất bắt mắt. Có con lấm chấm màu gạch, con rằn ri xám tro, nhưng đa phần vỏ màu ruốc, có lẽ vì vậy mà người ta hay gọi là “ốc ruốc”. Ruột ốc chỉ có một chút thịt bằng chân tăm xỉa răng. Ít ai ngờ con ốc nhỏ nhoi ấy lại giúp nhiều người thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Hơn thế nữa họ còn biết níu giữ chân khách khi muốn tìm đến ốc ruốc-hương vị miền biển.
Ốc ruốc thường nằm cách bờ khoảng chừng 50-100m. Dụng cụ để săn ốc ruốc rất đơn giản, chỉ một cây sào làm bằng tre cán dài khoảng 2m, phía dưới gắn lưỡi cào bằng kim loại có nối với mảnh lưới nhỏ đường kính khoảng 50cm. Để kéo được ốc, ngư dân lội nước ngập đến đầu gối, phải đi thụt lùi rồi cào xuống lớp cát, ốc sẽ lọt vào lưới.
Gần 70 tuổi với hơn 45 năm bám biển mưu sinh và có “thâm niên” trong nghề cào ốc ruốc, lão ngư Trần Văn Bình (TP.Vũng Tàu) cho biết, nghề cào ốc ruốc đã có từ lâu, từ đời bà đời mẹ của tôi. Đây cũng là nghề giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Vừa lên bờ, lấy tay quệt mồ hôi lăn dài trên trán và đưa mắt nhìn vào bao ốc nặng trĩu, anh Hà con trai ông Bình hồ hởi nói: "Công việc cào ốc ruốc tuy nặng nhọc nhưng lại có thu nhập cao nên ai cũng ham làm. Du khách cũng thường ghé tới hỏi mua, chụp hình. Họ còn muốn theo để trải nghiệm nên tôi cũng thấy vui vui với nghề".
Nhóm bạn trẻ Tuấn Anh đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi mê nhiều điều của Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng ấn tượng nhất vẫn là ốc ruốc. Nay chúng tôi đến trải nghiệm bắt ốc ruốc cùng ngư dân và cử cả nhiếp ảnh đến chụp hình làm kỷ niệm. Vợ của chú Bình chế biến món ốc ruốc này bán rất ngon. Ốc được luộc lên với sả, lá chanh đem trộn với gia vị xắt thêm tí ớt là thành món ốc ruốc xào. Ốc ruốc xào bơ, ốc ruốc xào me... được cô Tư làm điêu luyện khiến chúng tôi chẳng muốn về. Độ ngon thì đúng là "sức hấp dẫn không thể chối từ".
Ốc ruốc từ lâu đã trở thành món ăn chơi dân dã, quen thuộc của người dân miền biển và gắn liền với tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành của nhiều người. Điều thú vị là tuy thịt ốc ruốc chỉ nhỏ như đầu tăm, nhưng không có mùi tanh mà có vị mặn xen lẫn vị ngọt cùng mùi thơm rất riêng. Phần ngon nhất của ốc nằm ở đuôi. Thông thường, ăn ốc ruốc phải dùng gai của cây chanh vì nếu dùng tăm hay kim thì khó lể được cả con ốc ra khỏi vỏ. |
Hối hả thu “lộc biển”
Dịp này, ở Long Điền, nghề cào ốc ruốc cũng nhộn nhịp không kém, dù vất vả, nguy hiểm nhưng đối với người dân cào ốc đó là một niềm vui, bởi đây được xem như “lộc” của người dân xứ biển. Gần 4 giờ sáng, khi cảnh vật vẫn còn im lìm, từng cơn gió nhẹ mang theo chút dư vị mặn mòi của biển, tiếng í ới gọi nhau như xé toang khoảng không yên tĩnh. Ở đó, người đàn ông chừng 50 tuổi là Huỳnh Thanh Vân (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đầu đội đèn pin, tay không ngừng sàng sảy rổ ốc ruốc vừa được vớt lên từ phía biển. Ông đi từ 3, 4 giờ sáng, tới hơn 6 tiếng đồng hồ mới vào đất liền. Dẫu đôi tay có mỏi nhừ nhưng những bao ốc nặng trĩu nhanh chóng được thương lái thu mua. Khuôn mặt của ông Vân đen sạm nắng gió ánh lên niềm vui mùa ốc ruốc. Mỗi một buổi vậy, ông có thêm thu nhập khoảng 500 ngàn đồng.
Ông Vân chia sẻ, nghề cào ốc nhìn đơn giản nhưng rất vất vả, không chỉ dậy sớm mà cần có sức khỏe vì phải ngâm mình trong nước biển trong nhiều giờ liền. Nghề còn phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời nắng, sóng biển êm thì cào được nhiều hơn, còn ngày biển động thì sản lượng sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, thủy triều thường xuống vào rạng sáng nên phải tranh thủ ra cào.
Theo người dân xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), thực tế ốc ruốc có mặt ở trên biển quanh năm, tuy nhiên vào mùa biển động là thời điểm ốc sinh sản, dạt nhiều vào sát bờ biển. Nhiều nhất là vào khoảng tháng 10 âm lịch đến tháng 3 năm sau. Nghề cào ốc ruốc được coi là sản vật mà biển khơi ban tặng, giúp ngư dân các làng chài nơi đây có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, vơi bớt đi nỗi nhọc nhằn sau những giờ mưu sinh cật lực trên biển.
Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cho biết, nghề cào ốc ruốc ở đây có từ bao đời nay và được coi như một nghề truyền thống, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương tại đây. Nguồn lộc biển này giúp người dân cải thiện cuộc sống.
Bài, ảnh: MAI NGỌC