Khó xử phạt người hút thuốc nơi công cộng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 17:59 [GMT+7]
In bài này
.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (THTL) ra đời góp phần nâng cao nhận thức cho người dân nên số người hút thuốc có chiều xu hướng giảm. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác phòng, chống THTL đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Việc xử phạt các trường hợp hút thuốc tại các cơ sở y tế không khả thi. Trong ảnh: Biển cấm hút thuốc lá được Bệnh viện Bà Rịa lắp đặt tại lối vào sảnh bệnh viện.
Việc xử phạt các trường hợp hút thuốc tại các cơ sở y tế không khả thi. Trong ảnh: Biển cấm hút thuốc lá được Bệnh viện Bà Rịa lắp đặt tại lối vào sảnh bệnh viện.

Vẫn còn nhiều hạn chế​

Sau khi khám bệnh xong, người đàn ông gầy gò, trạc 60 tuổi, ngồi hút thuốc lá ngay ở dãy ghế đá, lối vào sảnh Bệnh viện Bà Rịa. Trước mặt người này là tấm biển cấm hút thuốc lá cùng quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, với mức phạt từ 200-500 ngàn đồng được Bệnh viện Bà Rịa lắp đặt. Dẫu nhìn thấy tấm biển, nhưng người đàn ông không tỏ ra e ngại hay lo sợ bị xử phạt.

Khi được hỏi vì sao có bảng cấm hút thuốc mà vẫn hút, ông thản nhiên nói: “Chỗ này ít người ngồi, tôi hút chút rồi đi nên khói thuốc cũng không ảnh hưởng đến người khác”. Đây không phải trường hợp duy nhất hay đầu tiên ngồi hút thuốc lá trong khuôn viên Bệnh viện Bà Rịa nhưng chưa được xử phạt theo quy định.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho hay, bệnh viện bố trí các biển báo và quy định cấm hút thuốc tại nhiều khu vực ở các khoa, phòng và khuôn viên bệnh viện. Việc này nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về THTL. Bệnh viện chưa xử phạt hành chính trường hợp nào vi phạm về phòng, chống THTL. “Bệnh viện Bà Rịa không có thẩm quyền xử phạt hành chính. Khi phát hiện người hút thuốc, nhân viên y tế hoặc bảo vệ sẽ nhắc nhở để họ không hút thuốc trong khu vực bệnh viện”, bác sĩ Thanh nói.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, việc xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm về phòng, chống THTL khó thực hiện. Hành vi vi phạm thường tức thời, nhỏ lẻ. Hành vi hút thuốc lá ở khu vực cấm thường diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt. Trong khi những người có thẩm quyền xử phạt lại ít. Theo quy định, chỉ có Chủ tịch UBND các cấp, lực lượng thanh tra y tế, quản lý thị trường, công an... mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống THTL. “Khi bị phát hiện, người hút thuốc di chuyển đến chỗ khác hút và lực lượng xử phạt mỏng nên công tác phòng, chống THTL vẫn còn nhiều hạn chế”, bác sĩ Lên nói. 

Đề cập đến các sản phẩm thuốc lá, ông Lê Văn Tuyền, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT bày tỏ lo ngại khi trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha… với nhiều mẫu mã, hương vị phong phú nên cuốn hút giới trẻ, trong đó có đối tượng HS, SV. Các loại thuốc này đều có những chất gây nguy hiểm, đe dọa sức khỏe con người, chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, nhưng việc tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá khá dễ dàng. 

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Thầy Nguyễn Thành Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) nhìn nhận, HS rất dễ bị cám dỗ từ nhiều hành vi xấu, trong đó có việc hút thuốc lá. Năm học 2022-2023, nhà trường phối hợp với công an địa phương, gia đình phát hiện và xử lý một số HS hút thuốc trong trường. Những HS này bị xét hạnh kiểm yếu của học kỳ đó. Ngoài ra, nhằm ngăn ngừa tình trạng hút thuốc, nhà trường mời lực lượng công an, nhân viên y tế về tuyên truyền cho HS, cán bộ, GV, công nhân viên của trường về cách phòng, chống và THTL gây ra. Trường còn lắp đặt các biển báo, khẩu hiểu cấm hút thuốc lá để nâng cao nhận thức cho HS.

Đầu năm học, Trường THPT Võ Thị Sáu còn cho HS ký cam kết có xác nhận của cha mẹ các em về không vi phạm các chất kích thích, thuốc lá. “Chúng tôi còn nghiêm cấm việc mua bán, quảng cáo thuốc lá trong căng tin trường; theo dõi các HS có khả năng hút thuốc để mời cha mẹ và lực lượng công an đến xử lý. Trường còn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá gần khuôn viên nhà trường”, thầy Nhân nói thêm.

Chiến lược Quốc gia phòng, chống THTL đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% và nhóm nữ xuống dưới 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 20%, nhà hàng dưới 65%, quán bar và cà phê dưới 70%, khách sạn dưới 30%.

Bác sĩ Lên cho hay, để hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HTL đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành đoàn thể và các địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Sở Y tế phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống THTL; kết hợp thông tin, giáo dục truyền thông về THTL và phát triển các dịch vụ tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm quy định về môi trường không khói thuốc lá tại cơ quan. UBND các huyện, thị xã, thành phố đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương theo thời kỳ… “Nhà nước cần có lộ trình tiến tới giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu thuốc lá. Đồng thời, thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt những người có hành vi vi phạm hút thuốc lá không đúng nơi quy định”, bác sĩ Lên đề xuất.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.