.
HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI (15/11-15/12)

Ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật: 18:31, 11/12/2023 (GMT+7)

Nhiều năm trước, Bà Rịa- Vũng Tàu là một trong những địa phương xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS). Song, bằng nhiều giải pháp tích cực, tỉnh đã ngăn chặn được tình trạng này.

Bác sĩ Hoàng Phước Ba hướng dẫn sản phụ chăm sóc trẻ sơ sinh.
Bác sĩ Hoàng Phước Ba hướng dẫn sản phụ chăm sóc trẻ sơ sinh.

Nên dừng lại ở 2 con

Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, ở phường Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu) có 2 cô con gái, 4 và 7 tuổi. Nhiều người nghĩ, sinh 2 con gái sẽ khiến vợ chồng anh gặp nhiều áp lực, vì chưa có con trai “nối dõi tông đường”. Thế nhưng, anh Hòa thì ngược lại. Biết vợ có tâm tư vì chưa được như mong muốn “có nếp, có tẻ”, anh chủ động an ủi, động viên, đả thông tư tưởng, giúp vợ anh cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn. Anh Hòa cũng chính là người quyết định không sinh thêm con để tập trung chăm sóc, nuôi dạy 2 con khôn lớn.

Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) cho hay, nhận thức về giới tính của con trong nhân dân ngày càng có sự tiến bộ rõ nét. Những năm gần đây, đã không còn ghi nhận tình trạng phân biệt giới tính khi sinh, song vẫn còn một bộ phận người dân quan niệm thích con trai hơn.

Nhiều trường hợp khi đã sinh 2 hoặc 3 con gái tiếp tục sinh thêm với kỳ vọng có đứa con trai. Việc sinh con liên tục trong nhiều năm, nhất là các trường hợp lớn tuổi, sinh mổ, khoảng cách giữa các lần sinh gần nhau… sẽ gây rủi ro cho người phụ nữ. Do vậy, các cặp vợ chồng cần căn cứ vào điều kiện kinh tế gia đình, sức khỏe, thời gian để cân nhắc có nên sinh từ 3 con trở lên hay không.

“Xã hội ngày càng phát triển, vai trò của con gái, người phụ nữ đối với gia đình, xã hội đã được khẳng định. Vì thế, các gia đình nên sinh 2 con là đủ, dù con trai hay gái, không phân biệt giới tính”, bác sĩ Hoàng Phước Ba nói thêm.

Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi

Theo Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh, giai đoạn 2021-2023, tỷ số GTKS của tỉnh duy trì ở mức 106-107 bé trai/100 bé gái, giảm so với giai đoạn 2011-2020 (108-110 bé trai/100 bé gái). Việc mất cân bằng GTKS sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số, thừa nam thiếu nữ trong tương lai. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.

Năm 2021, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3213/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Phương Nam, Chi cục phó, phụ trách Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết, để thực hiện các mục tiêu của đề án nói trên, hàng năm đơn vị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng GTKS, bình đẳng giới, kiểm soát mất cân bằng GTKS… Từ đó, nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm cũ, gia đình phải có con trai.

Theo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, mục tiêu đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ giảm tốc độ gia tăng tỷ số GTKS và đưa tỷ số GTKS của tỉnh về mức tự nhiên, từ 103-106 bé trai/bé gái một cách bền vững.

Bên cạnh đó, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh còn phối hợp với Thanh tra Sở Y tế phổ biến những quy định của pháp luật về nghiêm cấm sử dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính; kiểm tra, giám sát các phòng siêu âm thông báo giới tính thai nhi; rà soát ấn phẩm, tài liệu phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi tại các nhà sách.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị như Hội Nông dân tỉnh, LĐLĐ tỉnh, UBND xã, phường… mở các lớp tư vấn truyền thông về dân số và giảm thiểu mất cân bằng GTKS; phổ biến, giáo dục những quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho cán bộ và người dân. Chúng tôi còn phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc sử dụng công nghệ cao để lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý triệt để các ấn phẩm liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn tỉnh”, ông Nam thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.