.

Cần xây dựng hành lang pháp lý để quản lý dạy thêm, học thêm

Cập nhật: 20:21, 10/12/2023 (GMT+7)

Sở GD-ĐT vừa ban hành công văn nghiêm cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học (TH) khiến cho vấn đề chưa bao giờ hết nóng này tiếp tục được dư luận xã hội quan tâm. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kế Toại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục TH là giáo dục bắt buộc. Vì vậy, nhà trường cần có kế hoạch phân công GV giúp HS hoàn thành yêu cầu môn học. Trong ảnh: HS Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) trong giờ học (ảnh mang tính minh họa).
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục TH là giáo dục bắt buộc. Vì vậy, nhà trường cần có kế hoạch phân công GV giúp HS hoàn thành yêu cầu môn học. Trong ảnh: HS Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) trong giờ học (ảnh mang tính minh họa).

* Phóng viên: Thưa ông, mới đây Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo nghiêm cấm dạy thêm, học thêm ở bậc TH. Ông có thể nói rõ hơn vì sao việc dạy thêm, học thêm ở bậc học này bị nghiêm cấm?

- Ông Nguyễn Kế Toại: Việc cấm dạy thêm, học thêm ở bậc TH không phải là vấn đề mới. Năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, yêu cầu không dạy thêm ở bậc TH. Sau đó, ngày 30/1/2015, UBND tỉnh cũng ban hành công văn số 754/UBND về việc chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục TH. Đến nay, các quy định này vẫn có hiệu lực thi hành.

Mặt khác, hiện nay, đa số HS học TH trên địa bàn tỉnh đều được học 2 buổi/ngày (từ 32-35 tiết/tuần). Trong đó đã có tiết ôn tập, vận dụng kiến thức, bảo đảm đáp ứng mục tiêu giáo dục. Với thời lượng học trên lớp như vậy, nếu HS còn học thêm thì các em phải học vào buổi tối hoặc thứ Bảy, Chủ nhật. Điều đó sẽ không bảo đảm sức khỏe, cũng như thời gian cho các em vui chơi, sinh hoạt cùng gia đình hay tham gia các hoạt động trải nghiệm rèn luyện các kỹ năng mềm.

* Theo ông, đâu là căn nguyên của vấn nạn dạy thêm, học thêm ở bậc TH?

- Dạy thêm, học thêm ở bậc TH vẫn tồn tại trước hết là do HS TH chưa có thói quen và phương pháp tự học. Việc học của các em vẫn phụ thuộc vào sự hướng dẫn của người lớn. Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa có điều kiện hoặc chưa thực sự quan tâm việc hướng dẫn HS tự học tại gia đình. Một số phụ huynh không có người trông giữ con, lo lắng để con ở nhà một mình không an toàn nên gửi giáo viên (GV). Một lý do khác không thể không kể tới là vẫn còn một bộ phận phụ huynh kỳ vọng quá cao vào kết quả học tập của con em mình. Cùng với đó là do lương GV còn thấp (đặc biệt là GV mới ra trường) nên GV dạy thêm để cải thiện thu nhập, trang trải cuộc sống.

* Đối với những HS có lực học còn yếu kém, trong khi phụ huynh vì nhiều lý do không thể kèm cặp con em mình, họ thực sự có nhu cầu, nguyện vọng được cho con em mình học thêm thì sao, thưa ông?

- Có thể khẳng định, đây là nhu cầu chính đáng của HS và phụ huynh. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục TH là giáo dục bắt buộc. Vì vậy, nhà trường cần có kế hoạch phân công GV giúp HS hoàn thành yêu cầu môn học.

Trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, thiếu GV như hiện nay, GV đã thực hiện dạy đủ và vượt số tiết theo quy định. Việc tổ chức phụ đạo, giúp đỡ HS gặp khó khăn trong học tập các môn học cần có sự chung tay của chính quyền và quản lý, bằng các cơ chế, văn bản pháp lý cụ thể.

* Theo ông, giải pháp gì để quản lý dạy thêm học thêm ở bậc TH thực sự hiệu quả?

- Những năm qua, nhiều nhà trường và GV đã thực hiện nghiêm việc không dạy thêm với HS TH. Ngành và các trường cũng đã tập trung chỉ đạo chuyên môn để nâng cao hiệu quả dạy học chính khóa để hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận tình trạng dạy thêm, học thêm ở bậc TH vẫn tồn tại. Trước thực trạng đó, ngành sẽ tăng cường tuyên truyền, truyền thông đến phụ huynh HS về mục tiêu giáo dục cấp TH. Đồng thời, ngành cũng hướng dẫn nhà trường tăng cường phối hợp, tư vấn, trao đổi với phụ huynh về việc hướng dẫn con em phương pháp, kỹ năng học tập, tăng cường vốn hiểu biết, vận dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống.

Cùng với đó, ngành tập trung tư vấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của GV, giao trách nhiệm cho hiệu trưởng nhà trường quản lý việc dạy thêm, học thêm của GV nhà trường. Đặc biệt là phối hợp chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định không dạy thêm ở cấp TH và có hình thức xử lý nghiêm khi xảy ra vi phạm.

* Ngày 20/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, khi trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận định, cần đưa hoạt động dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo Bộ trưởng, đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài trường học. Ông nhìn nhận như thế nào về giải pháp này?

- Cá nhân tôi đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng. Việc cấm hoàn toàn dạy thêm, học thêm cấp TH sẽ gây khó khăn cho những cơ sở giáo dục không bố trí được nhân sự phụ đạo, bồi dưỡng HS tại trường, những gia đình gặp khó khăn trong việc giúp con học tập. Nhu cầu học tập của mỗi HS, mỗi gia đình khác nhau, trong xu thế phát triển của xã hội, nhiều kiến thức, kỹ năng HS không thể học hết trong nhà trường. Vì vậy, cần tạo hành lang pháp lý phù hợp để giải quyết thực trạng dạy thêm, học thêm còn có những bất cập như hiện nay.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

KHÁNH CHI

(Thực hiện)

 
.
.
.