Tỉ mẩn nghề vá lưới

Thứ Sáu, 24/11/2023, 16:16 [GMT+7]
In bài này
.

Sau những chuyến ra khơi dài ngày, lưới đánh bắt cá của ngư dân thường bị rách do vướng phải đá ngầm, san hô hoặc sợi cước bị mục vì sử dụng lâu ngày. Vì vậy, các chủ tàu lại thuê thợ vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Nghề vá lưới không khó khăn, vất vả, nhưng đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, khéo léo mới có được những tấm lưới chất lượng.

Công việc đan lưới giúp chị Huỳnh Thị Nhỏ, ở tổ 2, KP. Hải Hà 2 vừa có thu nhập, vừa có thời gian làm việc nhà.
Công việc đan lưới giúp chị Huỳnh Thị Nhỏ, ở tổ 2, KP. Hải Hà 2 vừa có thu nhập, vừa có thời gian làm việc nhà.

Lưu giữ nghề truyền thống

Chẳng ai nhớ nghề này có từ khi nào, chỉ biết rằng đây là nghề “cha truyền con nối”. Những người phụ nữ khi từ khi còn nhỏ xíu đã theo bà, theo mẹ học nghề. Nghề vá lưới tập trung ở 5 khu phố: Hải Vân, Hải Phong 1, Hải Phong 2, Hải Hà 1 và Hải Hà 2 (TT. Long Hải, huyện Long Điền). Trong đó, tổ 2, KP. Hải Hà 2 được xem là sôi nổi và nhộn nhịp nhất với hơn 92% hộ gia đình làm nghề này.

Bà Đỗ Thị Tới, Tổ 2, KP. Hải Hà 2, Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, người bám trụ với nghề vá lưới đã hơn 20 năm. Bà học nghề vá lưới từ mẹ đẻ của mình, sau này đi lấy chồng, hai ông bà lại cùng làm nghề vá lưới.

Nghề vá lưới mang lại thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ tại TT. Long Hải, huyện Long Điền.
Nghề vá lưới mang lại thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ tại TT. Long Hải, huyện Long Điền.

Đôi tay thoăn thoắt, mắt không rời khỏi mũi chỉ trên chiếc lưới đang vá, bà Tới cho biết công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết nên trung bình mỗi ngày bà Tới chỉ vá được 3 tấm lưới. Vì đã làm nghề lâu năm nên mọi kỹ năng vá lưới, bà đều thuần thục. “Tôi lựa chọn công việc này vì không quá nặng nhọc và không đòi hỏi trình độ học vấn, chỉ cần nhanh tay, tỉ mỉ. Bắt đầu công việc vá lưới từ 7h sáng và kết thúc lúc 16h chiều, mỗi ngày tôi có thu nhập khoảng 150 ngàn đồng”, bà Tới tâm sự.

Chị Huỳnh Thị Nhỏ, 42 tuổi, cũng ở tổ 2, KP. Hải Hà 2 có chồng và con trai lớn đi biển. Để đỡ đần chi phí sinh hoạt cho gia đình, chị Nhỏ cũng chọn nghề vá lưới thuê. Theo chị Nhỏ, vá lưới là nghề dễ học, dễ làm, nhưng muốn trở thành thợ giỏi thì người thợ phải tinh mắt, tỉ mỉ, khéo léo. Tiền công vá lưới được tính theo ngày, trung bình khoảng 150 ngàn đồng. Công việc không quá áp lực nên chị em có thể tranh thủ thời gian để làm việc nhà.

Yêu nghề nghề chẳng phụ công

Gắn bó với nghề vá lưới từ khi chỉ mới là đứa trẻ, đến nay bà Tiêu Thị Sáu, 60 tuổi, ngụ tại TT. Long Hải, huyện Long Điền dù đã lên chức bà nội, bà ngoại nhưng vẫn còn nặng lòng với nghề. Bà Sáu bảo, “yêu nghề nghề chẳng phụ công”, thậm chí là đam mê, là thú vui của tuổi già rồi. Ngày nào không vá lưới là lại nhớ. Không nhớ sao được khi chính nghề vá lưới này đã đi qua nhiều thế hệ, từ đời ông đến đời cha mẹ rồi đến với cuộc đời bà như một điều tất yếu.

Bà Lê Thị Sương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TT. Long Hải, huyện Long Điền cho biết: “Đây là một nghề lao động phổ thông, giúp cho nhiều chị em phụ nữ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, họ vừa có thời gian làm việc, có thời gian trông nom nhà, đưa rước con cái đi học. Riêng tổ 2, KP. Hải Hà 2, TT. Long Hải, huyện Long Điền hiện có 66 hộ dân, thì trong đó có đến 60 hộ có người làm nghề vá lưới, chủ yếu là phụ nữ. Hiện, tổ 2 KP. Hải Hà 2 không còn hộ nghèo, 90% hộ có mức sống từ trung bình trở lên. Các khu phố cũng như hội LHPN của thị trấn sẽ tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ chị em vay vốn ngân hàng chính sách khi có họ nhu cầu để vay vốn tu bổ lưới chài trong những chuyến biển”.

TT. Long Hải, huyện Long Điền hiện có trên 530 tàu cá. Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng sản lượng khai thác hải sản của địa phương khoảng 9.600 tấn, đạt 84% kế hoạch năm. Có được kết quả ấy, là nhờ vào sự đóng góp không nhỏ từ nghề ngư lưới cụ của người dân ở vùng ven biển.

Bài, ảnh: QUỐC HUY

;
.