Đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học Lịch sử là yêu cầu cấp thiết để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm của HS, đặc biệt là trong bối cảnh HS đang xem nhẹ và chán nản với môn học này.
Cuối tháng 10 vừa qua, Chi hội Giáo dục Lịch sử tỉnh đã ra đời với sứ mệnh "chấn hưng" môn Lịch sử. |
Tăng tính tương tác giữa thầy và trò
Nói về lý do HS "chê" môn Lịch sử, em Bùi Đào Thiện Mỹ, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cô gái nổi tiếng với Dự án “khoác áo mới cho môn Lịch sử” cho rằng, nguyên nhân HS chán học và học kém môn Sử có thể xuất phát từ việc chương trình và nội dung thi ôm đồm quá nhiều nội dung đến mức GV không thể triển khai phương pháp dạy cho sinh động. Mặt khác, do tâm lý chuộng ngành "hot" nên nhiều HS có định hướng học ban tự nhiên từ sớm. Ngoài ra, nội dung, hình thức của tài liệu Lịch sử cũng chưa tạo được sự cuốn hút.
Theo TS. Nguyễn Đình Thống, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sự kiện lịch sử là duy nhất, nhưng chúng ta có thể gợi mở nhiều cách tiếp cận cho HS, để các em chủ động lựa chọn. Đó chính là nội dung cơ bản về đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử.
Quá trình dạy và học là sự tương tác giữa thầy và trò cùng những vấn đề lịch sử. Do đó, để đổi mới phương pháp giáo dục lịch sử thì phải đổi mới toàn bộ quá trình dạy và học. Trong đó, HS chủ động trong việc tìm hiểu lịch sử, người thầy nắm bắt các xu hướng tiếp cận của HS, chuẩn bị nguồn sử liệu cho mọi tình huống khi thiết kế bài giảng và dẫn dắt học trò tiếp cận các nguồn sử liệu khi tổ chức lớp học. Để làm được điều đó, thầy cô phải nỗ lực rất nhiều. Mỗi bài giảng lịch sử không chỉ giới hạn trong SGK mà phải mở rộng phạm vi đến các pho sách lịch sử, các tài liệu chuyên khảo, các di tích lịch sử, hiện vật bảo tàng, tài liệu lưu trữ.
TS. Thống đề xuất giải pháp giúp thầy cô tiếp cận sử liệu thuận lợi hơn, đó là xây dựng Tủ sách Sử học, đặc biệt là Tủ sách Sử học điện tử để thuận tiện hơn cho việc quản lý và chia sẻ. Như vậy, thầy cô có điều kiện thiết kế bài giảng rộng mở các hướng tiếp cận lịch sử; các trường sẽ có điều kiện thuận lợi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, thi đọc sách về lịch sử địa phương. “Điều cuối cùng, tôi muốn gửi đến quý thầy cô là “lòng yêu nghề” và “tình yêu môn Lịch sử”. Bí quyết thành công là ở đó. Nếu thầy cô không thật sự yêu nghề, không yêu lịch sử thì không thể nào truyền đạt cho HS, lan tỏa trong xã hội”, ông Nguyễn Đình Thống gửi gắm.
TS. Võ Minh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Giáo dục Lịch sử tỉnh cũng chia sẻ: “Lịch sử cần cụ thể từ những câu chuyện, để những hiện vật kể câu chuyện của riêng nó và lắng nghe những thảo luận của HS, để những câu chuyện của cả nước được kể qua những địa danh, di tích, nhân chứng của địa phương. Khi HS yêu thích, HS sẽ tìm hiểu lịch sử nhiều hơn; và càng tìm hiểu, các em sẽ càng thêm yêu lịch sử. Khi đó, HS lựa chọn lịch sử là môn học đầu tiên bằng chính tình yêu của mình”.
Đưa lịch sử tới gần
Cô Lê Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vũng Tàu) thì cho rằng, cần có nhiều hơn các tiết học thể nghiệm ở cấp cụm, cấp tỉnh, cùng các hội thảo giúp cho các thầy cô dạy lịch sử thêm yêu nghề, có nhiều cơ hội phát triển chuyên môn nghiệp vụ hơn. Đồng thời giúp các trường tổ chức học tập môn Lịch sử thành công hơn. Ngoài các tiết học đổi mới, các tour du lịch trải nghiệm về nguồn, cần có những cách làm mới, hiện đại và hấp dẫn hơn. Cần tạo điều kiện cho các trường học được đến tham quan học tập tại các di tích lịch sử, được giảm giá vé, được nghe thuyết minh hiện vật lịch sử… Đặc biệt, Chi hội lịch sử tỉnh có thể phối hợp với các đơn vị liên quan thiết kế tour du lịch trải nghiệm, tổ chức các sân chơi tìm hiểu về lịch sử địa phương một cách bài bản, chuyên nghiệp.
TS. Võ Minh Hùng cho biết, thời gian tới, Chi hội sẽ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu liên quan sử học của địa phương. Thông qua lịch sử nhằm giúp các em hiểu và dần hình thành nên lòng yêu quê hương, yêu đất nước và bản lĩnh văn hóa của mình. Chi hội cũng sẽ tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, sinh hoạt chuyên đề về vấn đề lịch sử địa phương, đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử. Cùng với đó là các hoạt động ngoại khóa cho hội viên, HS, SV, các buổi tuyên truyền về lịch sử địa phương, ngày hội đọc sách Lịch sử cho HS.
Chi hội sẽ hỗ trợ các nhà trường trong công tác giảng dạy lịch sử địa phương, tham gia công tác tư vấn đổi mới phương pháp dạy sử trong trường học, học tập ngoại khóa, lý thuyết kết hợp thực hành, học cùng nhân chứng lịch sử, kể chuyện, học tại điểm di tích...
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG