.
NGHỊ ĐỊNH 75/2023/NĐ-CP

Tháo gỡ bất cập về thanh toán chi phí KCB BHYT

Cập nhật: 18:32, 02/11/2023 (GMT+7)

Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT, thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 1/1/2019. Quy định này được đánh giá có tính đột phá, tháo gỡ các vướng mắc về thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH.

Việc bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.  Trong ảnh: Người bệnh đang lọc máu nhân tạo tại Bệnh viện Bà Rịa.
Việc bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. Trong ảnh: Người bệnh đang lọc máu nhân tạo tại Bệnh viện Bà Rịa.

Chưa thanh toán đủ

Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định, từ năm 2019 đến nay, việc quyết toán chi phí KCB BHYT với các cơ sở y tế theo phương thức tổng mức thanh toán. Tổng mức thanh toán này được xác định dựa vào tổng chi phí KCB BHYT của năm trước liền kề để tạm ứng cho năm sau. Theo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, đây là một điều bất hợp lý.

Ông Trần Thiện Trường, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) phân tích, nhu cầu KCB bệnh của người dân phụ thuộc vào mô hình bệnh tật, các dịch vụ kỹ thuật của từng năm. Thông thường, số lượng người dân đến khám bệnh của năm sau cao hơn năm trước. Do đó, chi phí KCB BHYT cần được cơ quan BHXH thanh toán năm sau cao hơn năm trước đó. Trong khi, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP BHXH chỉ thanh toán, quyết toán dựa vào mức tạm ứng năm trước nghĩa là chưa thanh toán đủ phần chi phí KCB theo thực tế. Việc này gây nhiều thiệt thòi cho bệnh viện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Ông Thiện Trường dẫn chứng, với cách tính của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trong 2 năm, 2019 và 2022, Bệnh viện Vũng Tàu vượt tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền này vẫn chưa được cơ quan BHXH thanh toán dù bệnh viện đã nhiều lần làm việc, giải trình với BHXH tỉnh. “Khoản tiền này Bệnh viện Vũng Tàu đã sử dụng cho người bệnh BHYT. Bệnh viện thực hiện tự chủ thường xuyên nhiều năm qua nên cơ quan BHXH không thanh toán số tiền nói trên ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của đơn vị”, ông Thiện Trường nói.

Người bệnh nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Vũng Tàu.
Người bệnh nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Vũng Tàu.

Tương tự, năm 2020, Bệnh viện Bà Rịa vượt tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT lên tới 39 tỷ đồng và không được BHXH tỉnh thanh toán đủ. Bà Nguyễn Hồng Vân, Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, năm 2020 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng cao hơn so với năm 2019 nên đơn vị đã vượt tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT, với số tiền nêu trên. Bệnh viện mất rất nhiều thời gian, công sức giải trình, thuyết trình BHXH tỉnh và BHXH Việt Nam nên cơ quan BHXH mới đồng ý thanh toán thêm 25 tỷ. Đến nay, Bệnh viện Bà Rịa còn hơn 14,9 tỷ vẫn chưa được cơ quan BHXH thanh toán. “Nếu không được cơ quan BHXH thanh toán số tiền này, bệnh viện sẽ gặp khó khăn trong việc trả công nợ cho các đơn vị cung cấp thuốc, vật tư y tế và ảnh hưởng đến quyền lợi cho bệnh nhân BHYT”, bà Hồng Vân cho hay.

Trong 2 năm, 2019, 2020, toàn tỉnh có 21 cơ sở KCB có vượt tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, với số tiền khoảng 61 tỷ đồng. Trong đó, có 9 cơ sở KCB công lập và 12 cơ sở tư nhân.

Tháo gỡ vướng mắc

Trước những bất cập như vậy, ngày 19/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/12. Trong đó, bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám KCB BHYT, thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 1/1/2019. Quy định này đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế trong thanh toán chi phí KCB BHYT với cơ quan BHXH. Qua đó, tạo điều kiện cho cơ sở KCB nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT.

Bà Nguyễn Hồng Vân cho rằng, việc bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám KCB BHYT của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã “cởi trói” cho Bệnh viện Bà Rịa trong công tác thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT với cơ quan BHXH. Theo đó, các chi phí KCB BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT sẽ được cơ quan BHXH thanh, quyết toán đầy đủ. Một điều đáng mừng nữa, theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, số tiền vượt tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT của các cơ sở y tế từ năm 2019 đến nay bị cơ quan BHXH “treo” cũng sẽ được thanh toán bù.  Bà Hồng Vân nói: “Chúng tôi được lấy lại khoản tiền này cũng góp phần bổ sung vào nguồn kinh phí cho bệnh viện, giúp đơn vị hoạt động ổn định, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh”.

Ông Lâm Tuấn Tú, Phó Giám đốc, Phụ trách Bệnh viện Vũng Tàu đánh giá, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám KCB BHYT mang lại nhiều thuận lợi cho bệnh viên. Việc thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT giữa bệnh viện và cơ quan BHXH diễn ra nhanh chóng. Từ đó, bệnh viện sẽ có nguồn kinh phí kịp thời, duy trì hoạt động để phục vụ người bệnh tốt hơn. 

“Bác sĩ của chúng tôi yên tâm khi thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Bệnh viện Vũng Tàu sẽ mạnh dạn phát triển các kỹ thuật mới, chăm sóc và điều trị bệnh cho nhân dân tốt hơn. Bệnh viện còn thu hút bệnh nhân đến bệnh viện khám, chữa bệnh mà không lo vượt tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT như trước”, ông Tuấn Tú cho hay.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
.
.
.