Món quà ý nghĩa từ phế liệu
Những phế liệu tưởng sẽ phải bỏ đi nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của hội viên phụ nữ huyện Long Điền trở thành những món quà ý nghĩa. Việc làm này vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống.
Hội LHPN xã Phước Hưng và Chi hội phụ nữ ấp Hải Lâm trao tiền mặt và sách giáo khoa cho gia đình chị Đoàn Thị Duyên (ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng) bằng nguồn quỹ của mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn có địa chỉ”. |
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Cứ vào Chủ Nhật hàng tuần, tại Trung tâm Văn hóa-Học tập cộng đồng xã Phước Hưng (huyện Long Điền), chị em lại mang theo túi, bao tải đựng đầy chai lọ, bìa các-tông đến giao cho cán bộ hội phụ nữ. Hoạt động này nhằm hưởng ứng mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn” của Hội LHPN xã Phước Hưng. Mô hình được triển khai từ tháng 8/2022 tại 6 chi hội phụ nữ với gần 200 hội viên tham gia. Từ đó đến nay, tình trạng xả rác bừa bãi của các hộ dân trên địa bàn xã Phước Hưng được khắc phục đáng kể. Bằng nguồn quỹ thu được từ bán phế liệu, các chi hội đã hỗ trợ tiền và tặng quà, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Với nguồn quỹ thu được gần 15 triệu đồng từ mô hình, Hội LHPN xã Phước Hưng đã tặng 5 thẻ BHYT, 20 suất quà, 8 suất học bổng cho hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo trên địa bàn.
Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Tam Phước, huyện Long Điền mang phế liệu đến ủng hộ mô hình “Thu gom rác thải nhựa gây quỹ tặng thẻ BHYT cho phụ nữ khó khăn, khuyết tật” của Hội LHPN xã. |
Gia đình chị Đoàn Thị Duyên (ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng) vốn là hộ nghèo chuẩn tỉnh tại địa phương. Chị Duyên có 2 con đang tuổi ăn, học, chồng đi biển và đã mất tích trong một chuyến biển từ nhiều năm nay khiến gia đình chị Duyên càng thêm nhiều vất vả, nhọc nhằn. Hiểu được hoàn cảnh của chị, bằng nguồn quỹ từ mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn có địa chỉ”, Hội LHPN xã Phước Hưng và Chi hội Phụ nữ ấp Hải Lâm thường xuyên tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền mặt, nhu yếu phẩm, cũng như sách giáo khoa, tập vở cho 2 con chị Duyên vào đầu năm học mới, giúp gia đình vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống. Dù trị giá không quá lớn nhưng đây là món quà vô cùng ý nghĩa, động viên kịp thời, đối với gia đình chị.
"Hoàn cảnh gia đình tôi vốn đã khó khăn. May mắn được phụ nữ ở xã, ấp đã hỗ trợ, giúp đỡ một phần. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến các chị em trong chi hội và Hội LHPN xã", chị Duyên chia sẻ.
Từ tháng 3/2023, Hội LHPN xã Tam Phước cũng triển khai mô hình “Thu gom rác thải nhựa gây quỹ tặng thẻ BHYT cho phụ nữ khó khăn, khuyết tật”. Chỉ hơn 6 tháng thực hiện, Hội LHPN xã Tam Phước gây quỹ được hơn 10 triệu đồng để trao tặng 12 thẻ BHYT cho phụ nữ khó khăn, khuyết tật trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sơn, Hội viên phụ nữ xã Tam Phước, huyện Long Điền nói: “Tôi đi giúp việc cho người ta, trên đường bị tai nạn gãy tay, không có tiền mua thẻ BHYT. Nhờ Hội Phụ nữ xã giúp đỡ cho tôi có thẻ BHYT để đi khám bệnh. Đó là điều tôi biết ơn và trân quý trong lúc hoạn nạn, khó khăn”.
Triển khai mô hình thu gom phế liệu gây quỹ đầu tiên vào năm 2017, đến nay, 6/7 Hội LHPN xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã nhân rộng để đem lại nhiều lợi ích, tạo ý thức bảo vệ môi trường và chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn. Hơn 5 năm qua, thông qua các mô hình, Hội LHPN huyện Long Điền đã tặng 53 thẻ BHYT, 244 suất học bổng và gần 1.000 suất quà cho hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện với tổng giá trị gần 300 triệu đồng. |
Mỗi phụ nữ là một tuyên truyền viên bảo vệ môi trường
Việc phân loại, thu gom rác thải đạt kết quả tích cực là do đã được triển khai linh hoạt theo từng địa bàn huyện Long Điền. Thời gian qua, Hội LHPN huyện luôn tham mưu cho UBND huyện bố trí những điểm thu gom để tập kết xử lý, hạn chế ảnh hưởng từ hóa chất tới môi trường sống.
Chia sẻ về tính bền vững của mô hình, bà Trịnh Thanh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Điền cho biết: “Mô hình thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực bởi mô hình rất phù hợp với thực tế địa phương vì đơn giản, mọi người đều có thể thực hiện. Trong thời gian tới với hiệu quả của mô hình, Hội tiếp tục duy trì thực hiện mô hình để có thể hỗ trợ cho chị em phụ nử và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”.
Bài, ảnh: NGUYỄN TUYỀN